pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bình Định: Đưa quy định chống tảo hôn vào hương ước của làng
Một tiểu phẩm tuyên truyền phản ánh hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết
Hiện nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các huyện miền núi của tỉnh Bình Định tuy có giảm nhưng vẫn còn là một vấn đề đáng báo động. Các ngành chức năng tỉnh Bình Định đang triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu triệt để tình trạng này.
Tỉnh Bình Định có 39 dân tộc thiểu số sinh sống, với khoảng gần 42.000 người, chiếm 2,81% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu cư trú ở vùng rừng núi rộng lớn, có địa hình khá phức tạp, hiểm trở; trong đó có 3 dân tộc cư trú lâu đời là Ba Na, H'rê và Chăm.
Ông Trần Văn Lũ, người có uy tín của làng Canh Phước, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, cho biết, ngày trước, chứng kiến nhiều trường hợp lâm vào khó khăn, bệnh tật vì tảo hôn, ông đã quyết tâm góp sức ngăn chặn. Ông kể: "Nhiều lần nghe ngóng được một vụ tảo hôn sắp diễn ra trong làng, tôi lập tức đến tận nhà hỏi thăm và vận động người dân. Có một vài hộ dân chưa hiểu, từ chối lắng nghe nhưng tôi cứ kiên trì mãi thì họ cũng hiểu và thực hiện". Nhờ đó, trong 2 - 3 năm gần đây, tình trạng tảo hôn ở làng Canh Phước ngày càng giảm.
Tại làng Hiệp Hưng, xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh), già làng Mai Kim Đô với nhiều kinh nghiệm đã vận động thành công, không để diễn ra hơn 20 vụ việc tảo hôn. Già Đô chia sẻ: "Mình phải hiểu rõ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là gì thì mới vận động được. Hơn nữa, cần dứt khoát, kiên quyết đó là hành vi vi phạm pháp luật thì bà con mới sợ và nghe theo!". Vì vậy, trong vận động, ông nói về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và chủ động đưa nội dung này vào hương ước của làng.
Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, chia sẻ, tình trạng tảo hôn tuy trong đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh giảm đáng kể nhưng chưa bền vững. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống kéo dài dai dẳng là do ảnh hưởng từ phong tục tập quán lạc hậu và việc xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến tháng 6/2021, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 106 trường hợp tảo hôn. Trong đó, huyện Vĩnh Thạnh 13 trường hợp, huyện An Lão 33 trường hợp, huyện Vân Canh 51 trường hợp, huyện Hoài Ân 9 trường hợp. Cá biệt, Trường PT DTNT THCS và THPT Vĩnh Thạnh có tới 6 trường hợp nghỉ học do tảo hôn.
Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện liên quan tiếp tục tăng cường các biện pháp, giải pháp.
Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục chỉ đạo, triển khai đưa nội dung giáo dục giới tính; các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình; tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào tuyên truyền, giáo dục trong các trường PT DTNT, bán trú. Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp, lồng ghép các hoạt động để thực hiện có hiệu quả Đề án.
Đối với các địa phương có người dân tộc thiểu số sinh sống, chính quyền địa phương chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng kiểm tra các thôn, làng, khu phố đưa nội dung tảo hôn vào hương ước, quy ước để triển khai thực hiện.
Đặc biệt, một số địa phương đã phát huy vai trò của các già làng, Người có uy tín để tuyên truyền, vận động giảm thiểu nạn tảo hôn đạt hiệu quả.
Theo ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, để giảm thiểu tảo hôn, xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng kiểm tra các thôn, làng, khu phố chưa đưa nội dung tảo hôn vào hương ước, quy ước và chưa thực hiện cam kết không tảo hôn. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Quy định thang điểm, tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, thôn văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa trên địa bàn tỉnh.