Đăk Pơ: "Mẹ đỡ đầu" trăn trở về tương lai các con sau tuổi 18

Thu Hà
29/10/2022 - 17:09
Đăk Pơ: "Mẹ đỡ đầu" trăn trở về tương lai các con sau tuổi 18

Cháu Trúc Vy được các "mẹ đỡ đầu" tặng xe đạp nhân năm học mới. Ảnh: Quốc Thuyên

Các mẹ đỡ đầu mong muốn có thêm nguồn lực để hỗ trợ các con lâu dài, hướng dẫn tiếp cận với các chính sách vay tiền học đại học, học nghề hoặc hỗ trợ tìm việc để các con có một nền tảng vững chắc khi bước vào đời.


Những mẹ đỡ đầu tuy không thể thay thế được cha, mẹ các em nhưng họ sẽ là nguồn động viên lớn, chỗ dựa tinh thần của những đứa trẻ mồ côi để các em vẫn cảm nhận được tình yêu thương của mọi người dành cho mình.

Những mảnh đời éo le

Được sự giới thiệu của lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Gia Lai, chúng tôi đi dọc theo quốc lộ 19 từ thành phố Pleiku về huyện Đăk Pơ để đến thăm một cháu bé là "con đỡ đầu" của Hội LHPN xã Cư An trên địa bàn huyện.

Đón đoàn là chị Nguyễn Thị Liên (Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Pơ), người phụ nữ có dáng người bé nhỏ, nhanh nhẹn, say sưa kể cho chúng tôi nghe về những phong trào hoạt động Hội trên suốt chặng đường. 

"Hiện nay cả huyện nhận đỡ đầu cho 32 cháu tại 8 xã, thị trấn. Còn nhiều cháu khác có hoàn cảnh rất đáng thương, chỉ tiếc là nguồn lực hạn chế nên Hội đang từng bước để tìm cách giúp đỡ các con ổn định cuộc sống", chị Liên khẽ thở dài.

Đi qua thị trấn chừng 6km, thôn An Thuận thuộc xã Cư An hiện ra trước mắt chúng tôi với những con đường bê tông rộng rãi, đường hoa hai bên được cắt tỉa gọn gàng, những ngôi nhà tuy nhỏ nhưng kiên cố nằm kế nhau trong không gian sạch sẽ của xóm ngõ. Qua mấy khúc cua, chúng tôi dừng trước cửa một căn nhà xây gạch còn chưa được trát vữa tường. "Tới nơi rồi, đây là nhà bé Vy đó", lời nói của chị Liên cắt ngang dòng suy nghĩ của chúng tôi khi đang hình dung về nơi ở của một đứa trẻ mồ côi mẹ.

Thấy chị Liên giới thiệu có phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nan đến thăm, ông cậu (anh trai ruột của mẹ - theo cách gọi của người địa phương) gọi bé Vy ra chào mọi người. Cô bé Võ Trúc Vy mới 11 tuổi bẽn lẽn trước những người lạ nhưng vẫn rất lễ phép.

Chị Liên cho biết, bé Vy có hoàn cảnh rất đặc biệt khi mẹ bé mắc bệnh ung thư đã qua đời gần 1 năm nay. Trớ trêu hơn cả là khi mẹ vừa ra đi tròn 100 ngày, bố Trúc Vy cũng bỏ đi biệt tăm. Người ta đồn nhau anh ta nợ tiền không trả được, không ai rõ thực hư thế nào, chỉ biết từ ngày đó đến giờ, bố Vy để lại con gái nhỏ bơ vơ, không một lần hỏi thăm tin tức.

Xin phép gia đình để vào thăm nơi ở của cháu, chúng tôi lặng người trước căn phòng thờ đặt di ảnh của mẹ cháu. Kế bên là di ảnh ông ngoại Vy mà theo như người nhà kể lại, ông ngoại và mẹ Trúc Vy qua đời chỉ cách nhau 1 tháng. Điểm tựa cuối cùng của cháu là bố cũng không còn, từ đó Vy sống với người dì khuyết tật (điếc bẩm sinh), ai thuê gì làm nấy, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.

Chiếc giường năm xưa cả gia đình cùng sinh hoạt ở một góc nhỏ trong căn nhà ẩm thấp, tối tăm. "Từ ngày bố nó đi, con bé cũng không ngủ ở đó nữa. Nó nhớ mẹ. Dì nó đưa sang ngủ nhờ nhà cậu. Dần dà thì cũng mang cả sách vở với mấy bộ quần áo sang đây, chứ ở bên đó sống sao nổi", cậu bé Vy chia sẻ.

Cuộc sống của Trúc Vy cứ thế trôi đi. Không rõ, đứa trẻ lúc ấy mới 10 tuổi cảm nhận thế nào là mồ côi, chỉ biết rằng hiện tại, cháu rất ít nói, đôi mắt đượm buồn và theo như lời cậu của bé chia sẻ thì đã có lúc, con bé nói học hết lớp 5 là cháu nghỉ học đi phụ dì.

May mắn thay, từ tháng 1/2022, Hội LHPN huyện Đăk Pơ ra mắt mô hình "mẹ đỡ đầu" - hỗ trợ chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Với hoàn cảnh éo le như vậy, bé Trúc Vy đã được nhận làm con đỡ đầu và trực tiếp chăm sóc bởi Hội LHPN xã Cư An.

Chị Lưu Thị Phượng - Chủ tịch Hội LHPN xã Cư An, huyện Đăk Pơ (ngoài cùng bên trái) đến thăm "con đỡ đầu" Trúc Vy. Ảnh Quốc Thuyên

Cán bộ Hội LHPN xã Cư An, huyện Đăk Pơ đến thăm "con đỡ đầu" Trúc Vy. Ảnh: Quốc Thuyên

Chị Lưu Thị Phượng (Chủ tịch Hội LHPN xã Cư An) cũng có mặt tại nhà bé Trúc Vy chỉ ít phút sau khi chúng tôi tới. Cứ vài ngày, chị Phượng lại cùng chị Sáu (Chi hội trưởng phụ nữ thôn An Thuận) lại qua nhà dặn dò, chuẩn bị sách vở học hành cho cháu và sát sao với mọi tâm tư, tình cảm của bé Vy.

Chị Phượng cho biết, ở địa bàn xã Cư An, Hội LHPN xã nhận đỡ đầu cho 2 cháu là Võ Trúc Vy và cháu Trịnh Hoài An. Ngoài trường hợp của Trúc Vy, cháu Hoài An cũng rất khó khăn khi mồ côi bố, bản thân cháu lại mắc bệnh ung thư máu, chi phí chữa trị tốn kém mà một mình mẹ cháu không thể cáng đáng nổi.

"Kể từ sau dịch COVID-19, đời sống nói chung của mọi người ở đây cũng không được như trước, thu nhập giảm, chi tiêu hạn chế. Vì vậy lúc đầu làm mô hình "Mẹ đỡ đầu", Hội đi tuyên truyền vận động ủng hộ gặp rất nhiều khó khăn. May mắn là có một số mạnh thường quân giúp đỡ và sự thực là nhiều người cũng biết hoàn cảnh các cháu đáng thương như vậy nên bây giờ chúng tôi đã kết nối được nhiều nguồn lực hơn, có thêm kinh phí để hỗ trợ cho các con", chị Phượng chia sẻ.

"Mẹ" Sáu dặn dò, hỏi han Trúc Vy chuyện trường lớp, học tập. Ảnh: Quốc Thuyên

"Mẹ" Sáu dặn dò, hỏi han Trúc Vy chuyện trường lớp, học tập. Ảnh: Quốc Thuyên

Nặng lòng tiếng "Mẹ" thân thương

Theo đó, ngoài những sự ủng hộ như quần áo, sách vở, các phần quà trong các dịp lễ tết, mỗi tháng, các con đỡ đầu của Hội LHPN xã Cư An được nhận 300.000 VNĐ. Khoản tiền này có lúc được trao tiền mặt, có khi các "mẹ" sẽ dùng để mua những vật dụng cần thiết cho các bé, nhằm đảm bảo chăm sóc một cách chu đáo và thiết thực nhất cho đời sống của các con.

Tôi hỏi vui chị Phượng rằng cảm giác của chị ra sao, khi đúng ra ở tuổi có thể lên chức bà nội/bà ngoại rồi, chị lại một lần nữa được làm "mẹ" của 2 đứa trẻ? Chị bảo: "Vui nhưng cũng lo lắm. Mình đã xưng một tiếng "mẹ" nghĩa là mình phải đồng hành với các con về mọi mặt trong cuộc sống: từ chuyện ăn, ngủ, học hành, tâm lý tuổi học trò rồi sắp tới là các cháu bước vào tuổi dậy thì, phải giáo dục cho các cháu về giới tính, về bình đẳng giới, nhất là khi mình sống ở một huyện miền núi còn khó khăn của Gia Lai.

Khác với các chương trình từ thiện là người ta chỉ đến tặng quà hay hỗ trợ tiền nhân dịp này dịp kia, mẹ đỡ đầu như mình ít nhiều phải tạo được nền tảng về giáo dục, xây những viên gạch yêu thương trong lòng các con thì mới làm nên sự gắn kết giữa các mẹ với bọn trẻ. Khi những đứa trẻ được học hành và nhận đầy tình cảm, tôi tin rằng chúng sẽ khôn lớn và vững bước trên đường đời. Đó là điều rất nhân văn và thiết thực ở mô hình này".

Mô hình "Mẹ đỡ đầu" hội LHPN xã Cư An, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai tặng quà năm học mới cho cháu Hoài An. Ảnh: Hội LHPN huyện Đăk Pơ

Mô hình "Mẹ đỡ đầu" của Hội LHPN xã Cư An, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai tặng quà năm học mới cho cháu Hoài An. Ảnh: Hội LHPN huyện Đăk Pơ

Khẽ vuốt ve những ngón tay nhỏ xinh của Trúc Vy, chị Sáu và chị Phượng phấn khởi cho biết, dịp khai giảng năm học 2022-2023 vừa qua, các "mẹ" vận động các mạnh thường quân ủng hộ được cho Trúc Vy và Hoài An mỗi cháu 1 chiếc xe đạp. Các con đều rất vui và thêm phần hào hứng với việc đi học. Vy kể, trước đây con phải đi nhờ chị hàng xóm thì hiện tại, con đã có thể tự đến trường và chủ động đi lại khi giúp đỡ dì những việc nhẹ.

Cô bé kiệm lời lúc chúng tôi mới gặp trở nên tươi tắn và cởi mở hơn khi có "mẹ" Phượng và "mẹ" Sáu bên cạnh. "Mừng nhất là cháu không nghĩ đến chuyện nghỉ học nữa, tinh thần vui vẻ và cũng tự tin hơn thời gian trước rất nhiều", chị Sáu mỉm cười trìu mến.

Nói về những dự định xa hơn cho tương lai của các bé là con đỡ đầu, chị Nguyễn Thị Liên cho biết, không chỉ riêng với 2 bé ở xã Cư An mà trên toàn địa bàn huyện, Hội LHPN huyện cũng rất trăn trở và mong muốn khi kết thúc chương trình mẹ đỡ đầu cho các cháu vào năm 18 tuổi, Hội sẽ có thêm nguồn lực để hỗ trợ cũng như hướng dẫn cho các cháu tiếp cận với các chính sách vay tiền đi học Đại học. Bên cạnh đó, với những cháu muốn học nghề, Hội LHPN huyện cũng sẽ cố gắng tạo điều kiện học và tìm việc để các cháu có một nền tảng vững chắc khi bước chân ra đời.

Hội LHPN huyện Đăk Pơ tặng quà cho các con đỡ đầu trong mô hình "mẹ đỡ đầu". Ảnh: Hội LHPN huyện Đăk Pơ

Hội LHPN huyện Đăk Pơ tặng quà cho các con đỡ đầu trên địa bàn huyện. Ảnh: Hội LHPN huyện Đăk Pơ

Tạm biệt Trúc Vy, tạm biệt các chị, các mẹ đỡ đầu ở Hội LHPN huyện Đăk Pơ, chúng tôi ra về mà trong lòng còn đầy những ngổn ngang suy nghĩ về công việc của các chị với những mảnh đời bất hạnh. Có lẽ, không chỉ chị Liên, chị Phượng hay chị Sáu, bất cứ ai tham gia sinh hoạt và làm công tác Hội phụ nữ đều đặt cái tâm của mình lên trên tất cả. Từ đó, các chị không chỉ làm việc thiện cho đời mà còn góp phần thay đổi nhận thức, vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội.

Điển hình như chương trình "mẹ đỡ đầu" của Hội LHPN xã Cư An đã được Đảng ủy xã đánh giá cao tính nhân văn và thiết thực, tạo tiền đề thành lập kế hoạch nhân rộng mô hình để triển khai ở các cơ quan, đoàn thể trong trong cơ cấu tổ chức xã, nhằm giúp đỡ thêm nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn.

Đặc biệt trong bối cảnh Hội LHPN Việt Nam Triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, những đứa trẻ mồ côi như Trúc Vy, Hoài An sẽ được chắp cánh bằng yêu thương, giáo dục để tự tin vượt lên nghịch cảnh mà vững bước vào đời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm