Đảm bảo chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố

PVH
02/11/2023 - 11:23
Đảm bảo chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố

Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, thảo luận tại hội trường. Ảnh QH

Thảo luận về kế hoạch tài chính quốc gia, một số đại biểu cho biết, một số chính sách, chế độ mới do trung ương ban hành và thực hiện đang tạo áp lực, làm tăng chi ngân sách địa phương như chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 2/11, Quốc hội thảo luận đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước...

Phần lớn các đại biểu nhất trí với báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 như báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội.

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ nhất trí cao với chủ trương tăng bổ sung cân đối ngân sách địa phương; chủ trương này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn ở địa phương. Trong giai đoạn ngân sách 2022-2025, một số chính sách do trung ương ban hành chưa kịp bố trí trong ngân sách địa phương ngay trong đầu giai đoạn ổn định ngân sách, dẫn đến việc ngay sau khi chính sách có hiệu lực thi hành, các địa phương phải sử dụng nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ khác để kịp thời chi trả chế độ cho đối tượng phù hợp.

Đến nay một số chính sách, chế độ mới do trung ương ban hành và thực hiện làm tăng chi ngân sách địa phương rất lớn. Điều này gây áp lực cho các địa phương, cụ thể: Chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định tại Nghị định 34 của Chính phủ và nay được thay thế tại Nghị định 33, người hoạt động ở thôn bản, tổ dân phố có không quá 3 chức danh, gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng ban công tác mặt trận được hưởng phụ cấp hàng tháng. Trường hợp luật có quy định khác, thực hiện theo quy định của luật đó.

Đảm bảo chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội trường

Theo đó, Ngân sách trung ương đã xây dựng mức khoán để đảm bảo cho 3 chức danh nêu trên. Đối với các chức danh còn lại như: Thôn đội trưởng, công an viên, y tế thôn bản, ban bảo vệ dân phố, đội trưởng, đội phó dân phòng không thuộc chức danh người hoạt động không chuyên trách ở khu dân cư. Tuy nhiên, các văn bản quy định chế độ chính sách của các chức danh này đang còn hiệu lực.

Để đảm bảo ổn định chế độ chính sách cho các lực lượng được Chính phủ quy định, văn bản đang còn hiệu lực, ngân sách địa phương đang phải bố trí để duy trì, nhằm ổn định an ninh trật tự ở cấp xã và khu dân cư.

Về chính sách tăng lương cơ sở, nhiều địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và nguồn lực ngân sách địa phương đã ban hành một số chính sách cho các đối tượng cụ thể theo lương cơ sở như chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài biên chế do cấp huyện, cấp tỉnh đang hợp đồng tại các cơ sở giáo dục công lập để đảm bảo tỷ lệ giáo viên đứng lớp; hay chính sách chi trả phụ cấp cho khuyến nông viên cơ sở; chính sách chi phụ cấp kiêm nhiệm cho Hội đồng Nhân dân các cấp. Mặt khác, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, nhiều cán bộ dôi dư phải có chính sách hỗ trợ vẫn chưa giải quyết xong...

Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét đồng ý với đề xuất của Chính phủ tăng bổ sung cân đối cho các địa phương 2% so với dự toán năm 2023, để giảm bớt khó khăn cho các địa phương đang nhận cân đối từ Ngân sách trung ương.

Đảm bảo chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố - Ảnh 2.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, thảo luận tại hội trường. Ảnh QH

Nêu ý kiến về việc bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động cho ngân sách địa phương, đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân của việc chậm trễ trình Quốc hội phân bổ nhiệm vụ chi 70 nghìn tỉ đồng, trong đó nhiều nhiệm vụ chi liên quan đến chính sách con người trong khi thời gian thực hiện ngân sách; phân tích nguyên nhân đầy đủ trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội thấp hơn định mức phân bổ chi thường xuyên để có giải pháp quản lý ngân sách; đề nghị phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tránh tình trạng vốn dồn cuối năm thực hiện chương trình.

Đảm bảo chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố - Ảnh 3.

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cũng đề nghị tiếp tục đánh giá thực chất việc đạt mục tiêu nông thôn mới, tỉ lệ giảm nghèo, giảm thiểu tác động của chính sách…Đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm