pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đảm bảo tính chất thân thiện khi xử lý vụ việc đối với người chưa thành niên
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết: Sau hơn 8 năm thi hành, Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân có nhiều kết quả đạt được, là công cụ hữu hiệu để Tòa án xem xét, quyết định đưa người vi phạm pháp luật chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc được kịp thời, đúng đối tượng, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh hiện hành vẫn còn một số hạn chế và bất cập đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành Pháp lệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung mới 02 điều (Điều 7 và Điều 44), sửa đổi, bổ sung 42/42 điều. Ngoài 03 biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) dự thảo Pháp lệnh còn quy định biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng đối với người từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi theo quy định tại Điều 140a của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết: Về quy định chỉ định Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên (khoản 4 Điều 2 dự thảo Pháp lệnh), đa số ý kiến tán thành dự thảo Pháp lệnh và cho rằng: người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án phải chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Mặc dù đây là vi phạm hành chính, nhưng người chưa thành niên bị hạn chế quyền tự do theo phán quyết của Tòa án và trình tự, thủ tục áp dụng tương tự như trong thủ tục tố tụng hình sự. Luật Trợ giúp pháp lý cũng mới chỉ quy định đối tượng được trợ giúp pháp lý là trẻ em (dưới 16 tuổi) trong các lĩnh vực pháp luật mà không bao gồm người chưa thành niên từ 16 đến dưới 18 tuổi.
Do vậy, để bảo đảm quyền của người chưa thành niên bình đẳng; phù hợp với Pháp lệnh số 09 đã thi hành ổn định trong 08 năm qua; phù hợp với Điều 37 của Công ước Quốc tế quyền trẻ em, Pháp lệnh này cần tiếp tục kế thừa Pháp lệnh số 09, nội luật hóa Công ước Quốc tế quyền trẻ em và bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Pháp lệnh số 01, ngoài việc bổ sung quy định chỉ định người thực hiện trợ giúp pháp lý thì cần giữ nguyên quy định chỉ định Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên là phù hợp, đúng với nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Về chỉ định Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên, khoản 4 Điều 2 dự thảo Pháp lệnh, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với Tòa án nhân dân tối cao và cho rằng, người chưa thành niên thuộc đối tượng yếu thế cần được pháp luật quan tâm, ưu tiên bảo vệ tại Tòa án.
Việc chỉ định luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã được Pháp lệnh 09 quy định và thi hành ổn định 08 năm qua không có vướng mắc. Nếu không quy định việc chỉ định luật sư thì quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể không được bảo vệ đầy đủ. Do đó, cần tiếp tục kế thừa quy định tại Pháp lệnh 09 về chỉ định Luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Về quy định có tính chất thân thiện khi xử lý vụ việc đối với người chưa thành niên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, đối tượng bị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là người chưa thành niên, cần được bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ.
Ủy ban Tư pháp tán thành với dự thảo Pháp lệnh bổ sung một số quy định có tính chất thân thiện như: Nguyên tắc giải quyết vụ việc đối với người chưa thành niên phải bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phải bảo đảm yêu cầu như: phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.