Đam mê là gốc rễ trong nghiên cứu khoa học và sự nghiệp "trồng người"

Bài, ảnh: Phạm Thương
25/05/2022 - 15:52
Đam mê là gốc rễ trong nghiên cứu khoa học và sự nghiệp "trồng người"

GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai (giữa) trao đổi cùng sinh viên.

Trong suốt cuộc trò chuyện với PNVN, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên, kiêm Hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM), nhắc đi nhắc lại hai chữ “đam mê”. Theo bà, đó là yếu tố gốc rễ trong việc nghiên cứu khoa học và sự nghiệp “trồng người”.

Mạnh mẽ trong nghiên cứu

Vừa làm công tác quản lý, vừa giảng dạy và nghiên cứu khoa học, bà Nguyễn Thị Thanh Mai luôn hy vọng truyền cảm hứng để lớp trẻ hiểu và say mê theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.

"Việc trở thành một nhà giáo với tôi như một cái duyên. Ban đầu, tôi chọn thi vào ngành hóa học của trường ĐH Tổng hợp (nay là trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM). Vì lúc nhỏ, tôi rất thích ăn mì tôm, nên tôi nghĩ mình sẽ học ngành hóa để làm việc trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Càng học tôi càng thấy thích hóa học, nó rất đa dạng và nhiều ứng dụng trong thực tế. Sau khi ra trường, tôi thích ở lại trường để dạy học hơn là ra làm cho các công ty bên ngoài. Giống như nghề đã chọn mình", GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai chia sẻ.

Thời gian đi du học ngành hóa dược tại Nhật Bản đã "thổi" vào bà những đam mê về nghiên cứu khoa học. "Tôi nhận được học bổng của chính phủ và được chấp nhận sang học ngành dược tại Viện Nghiên cứu thuốc thiên nhiên ĐH Y Dược Toyama, Nhật Bản. Ba năm ở Nhật Bản, tôi tiếp thu nhiều kiến thức mới. Tôi cảm thấy rất vui và đây là nơi cho tôi cảm xúc về nghiên cứu khoa học", bà Thanh Mai cho biết.

Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ năm 2005, bà trở về và tiếp tục cống hiến tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Thế nhưng, con đường theo đuổi giấc mơ nghiên cứu khoa học chưa bao giờ là dễ dàng.

"Thời điểm đó, ở Việt Nam, ngành Hóa Dược không được biết đến. Điều kiện nghiên cứu, trang, thiết bị hỗ trợ không có. Trong khi, việc nghiên cứu thì trang thiết bị rất quan trọng. Để giải quyết khó khăn, tôi phải thông qua nhiều đề tài nghiên cứu nhỏ để trích ra mua sắm, từng bước gây dựng phòng thí nghiệm, mua những trang, thiết bị. Đến khi mình tạo được uy tín thì được trường Đại học Quốc gia đầu tư nhiều hơn. Từ con số 0, nhờ thầy cô, đồng nghiệp hỗ trợ cộng với quyết tâm, đến bây giờ, trường đã tạo được phòng thí nghiệm hiện đại. Tôi đã tạo được nhóm nghiên cứu khoa học mạnh của trường Đại học quốc gia TPHCM. Làm việc gì cũng phải có đam mê, nhất là trong nghiên cứu, nếu không kiên trì thì không làm được", GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai tâm sự.

Tôn trọng sở thích, đam mê của con

Hiện nay, bà được nhiều người biết đến là nhà giáo, nhà khoa học chuyên nghiên cứu lĩnh vực phát hiện thuốc từ dược liệu Việt Nam và công nghệ chiết xuất hoạt chất, phát triển sản phẩm hỗ trợ sức khỏe từ dược liệu. Bà có nhiều công trình nghiên cứu dành cho phụ nữ như: Nghiên cứu các hợp chất trị sạm, nám da.

Bà đang nghiên cứu phát triển sản phẩm kích thích mọc tóc, hợp chất cải thiện nội tiết tố nữ, làm các dược, mỹ phẩm… Theo bà, Việt Nam có nhiều cây dược liệu rất quý như ngải bún, họ gừng, cà gai leo, cúc hoa trắng… nhưng thường dùng theo phương pháp dân gian. Người dân thường không sử dụng một cách khoa học và không dùng hết những công dụng của các loại dược liệu đó. Thậm chí, nhiều nguyên liệu mà dân gian không bao giờ dùng. Khi chúng ta nghiên cứu sâu thì biết rõ từng thành phần và phát hiện ra công dụng của các loại dược liệu đó.

Là cô giáo đáng kính của nhiều thế hệ học sinh - sinh viên, cô Mai còn là người mẹ mẫu mực của 2 con. "Vì biết khối lượng công việc của mình nhiều nên tôi luôn sắp xếp thời gian cụ thể và cố gắng hoàn thành trong ngày. Buổi tối, tôi sẽ dành nhiều thời gian cho con và gia đình. Mình là nhà khoa học thì thời gian của mình cũng phải khoa học. Quan niệm của tôi về dạy con là để con phát triển tự nhiên. Tôi tôn trọng sở thích, đam mê của con, vì khi có đam mê thì con sẽ làm được đến cùng".

GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai là 1 trong 2 nhà khoa học nữ vừa đoạt giải thưởng Kovalevskaia năm 2021. Bà được công nhận phó giáo sư năm 2014, sau đó là giáo sư vào năm 2020. 

GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai công bố tổng cộng 135 bài báo khoa học, trong đó, 75 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế. Đầu năm 2022, trường ĐH Quốc gia TPHCM đã bổ nhiệm GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên, kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm