pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ giáo sư cả đời cống hiến cho khoa học và công nghệ môi trường
Giáo sư Đặng Thị Kim Chi
Nối tiếp truyền thống gia đình
Giáo sư Đặng Thị Kim Chi là con gái út của Giáo sư - Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ (được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên năm 1996). Sự cần mẫn nghiên cứu y học của người cha đã thấm sâu vào tâm trí của bà, đó chính là tấm gương để bà noi theo trong suốt cuộc đời cống hiến cho khoa học sau này.
Bà Kim Chi kể câu chuyện vui, ngày còn bà đang học tiểu học, vào mỗi buổi tối khi nhìn thấy cha ngồi ở bàn làm việc rất lâu, bà thường đùa rằng: "Con mà là giáo sư như ba thì không cần phải học nữa, không cần phải làm việc khuya như thế nữa". Giáo sư Đặng Vũ Hỷ cười lớn và nói với con gái yêu: "Nếu con nghĩ thế thì sẽ không bao giờ trở thành giáo sư được", ông cũng luôn nhắc với các con rằng "Việc học là việc của cả cuộc đời, hãy luôn cố gắng".
Đặng Thị Kim Chi đã nối tiếp truyền thống gia đình, theo học ngành Công nghệ Hóa học tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp đại học vào năm 1971 với tấm bằng loại giỏi, bà được nhà trường giữ làm giảng viên. Năm 1978, bà được trường ĐH Bách khoa Hà Nội cử đi nghiên cứu sinh tại Công hòa Dân chủ Đức, chuyên ngành Kỹ thuật bảo vệ môi trường.
Đối với nhiều người, được cử đi nước ngoài học là một vinh dự, bà Kim Chi cũng vậy nhưng đằng sau đó còn là sự hy sinh to lớn mà chỉ có người phụ nữ ở trong hoàn cảnh ấy mới cảm nhận được.
"Ở xứ người, có những thời gian phải tiến hành các thí nghiệm phục vụ cho đề tài nghiên cứu, chúng tôi đã phải ra khỏi kí túc xá khi đèn đường chưa tắt và khi rời phòng thí nghiệm trở về đèn đường đã sáng, tuyết rơi trắng xóa trong cái lạnh dưới 0 độ C. Những ngày khó khăn đó ở phương xa, đôi khi khiến tôi buồn và nhớ nhà nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh người chồng là bộ đội bế con nhỏ vẫy tay ở sân bay Nội Bài, trong lòng tôi quặn nỗi nhớ và tôi càng phải quyết tâm hơn để hoàn thành xứ mệnh được giao, để mau chóng trở về với gia đình", bà nhớ lại khoảng khắc của gần 50 năm về trước.
Khi bà sang Đức tu nghiệp, con trai mới lên 5, khi mẹ trở về thì cậu bé đã lên 9, đó là quãng đường quá dài đối với một người mẹ và của cả chồng, con bà. Nhưng vì khoa học, bà phải kiên cường và vững bước. Thành quả sau những hy sinh thầm lặng ấy là sự chinh phục học vị Tiến sĩ (năm 1982) tại Đức, chuyên ngành là Khoa học và Công nghệ Môi trường.
Về Việt Nam, bà tiếp tục làm giảng viên tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngoài giảng dạy, bà đã xin được tham gia các đề tài ứng dụng vào thực tế, triển khai các công trình tại một số nhà máy hóa chất và nhà máy vật liệu xây dựng để tích lũy thêm kinh nghiệm. Bà cùng với 6 cán bộ thành lập nhóm nghiên cứu về Kỹ thuật Bảo vệ môi trường - Bộ môn Kỹ thuật Môi trường, sau đó phát triển thành Trung tâm khoa học và Công nghệ Môi trường (năm 1994), Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (năm 1998).
Từ đó tới nay, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường của ĐH Bách khoa Hà Nội đã trở thành một trong các Viện nghiên cứu và đào tạo kỹ sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ thuộc chuyên ngành Bảo vệ Môi trường có uy tín ở Việt Nam. Năm 1996, bà được phong hàm Phó giáo sư và năm 2006, bà đã được nhận học hàm Giáo sư - là một trong số ít nữ Giáo sư của trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngày đó.
Cống hiến vì môi trường Việt Nam
Nói về chuyên ngành mình theo đuổi và cống hiến suốt 50 năm qua, Giáo sư Đặng Thị Kim Chi cho biết, bà say mê nghiên cứu về môi trường bởi đây là yếu tố tác động trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe của người dân. Đặc biệt, vào năm 2000, khi được tiếp xúc với một nhà khoa học từ Mỹ đến Việt Nam tìm hiểu về môi trường các làng nghề thủ công, bà nhận ra rằng, vấn đề môi trường tại các làng nghề ở Việt Nam rất cần được quan tâm, vì đây là loại hình ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp quy mô nhỏ, tận dụng mọi lực lượng lao động lúc nông nhàn nằm trong vùng nông thôn việt nam. Chính vì vậy, bà đã chuyên tâm nghiên cứu theo hướng này.
Để di chuyển đến khắp các làng nghề trên cả nước cũng lắm gian nan. Thời điểm ấy, việc đi lại không thuận tiện như bây giờ, làng nghề thường không nằm ở vị trí trung tâm, phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy, xe đạp, song bà đã đến tận thôn, bản gặp già làng, trưởng thôn, các nghệ nhân làng nghề để tìm hiểu. Để tìm ra biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trong nước, bà còn tranh thủ các chuyến đi tập huấn hoặc tham quan tại một số nước châu Á như Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Thái Lan… học hỏi kinh nghiệm
"Không một đất nước nào có mật độ làng nghề tại vùng đồng bằng cao như ở Việt Nam. Loại hình làng nghề ở Việt Nam hết sức đa dạng", Giáo sư Đặng Thị Kim Chi chia sẻ.
Sau khi đã triển khai và tham gia điều tra khảo sát một số làng nghề tại khu vực đồng bằng Bắc bộ, từ năm 2003, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường và Giáo sư Đặng Thị Kim Chi là chủ nhiệm đề tài đã được giao nhiệm vụ triển khai đề tài Khoa học Công nghệ cấp Nhà nước "Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm đề xuất các chính sách và giải pháp cải thiện môi trường tại các làng nghề Việt Nam", thuộc Chương trình Khoa học công nghệ cấp nhà nước về Bảo vệ Môi trường, tài nguyên và phòng tránh thiên tai.
Từ kết quả của đề tài cấp nhà nước, GS Đặng Thị Kim Chi cùng với các đồng nghiệp của mình phối hợp với các nhà khoa học, các nhà quản lý môi trường tại các bộ, ngành, các tỉnh và địa phương tiếp tục làm rất nhiều đề tài cụ thể như giải quyết vấn đề môi trường tại làng nghề ở Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương…; triển khai ứng dụng mô hình cải thiện môi trường tại một số làng nghề điển hình theo 7 loại hình sản xuất các sản phẩm khác nhau (gồm làng nghề chế biến lương thực thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, tái chế giấy, tái chế nhựa và kim loại).
Giáo sư Đặng Thị Kim Chi đã chủ trì và tham gia 48 đề tài dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp liên quan đến Khoa học và Công nghệ môi trường. Trong đó có 6 đề tài Khoa học và Công nghệ cấp nhà nước và 42 đề tài dự án nhiệm vụ khoa học cấp bộ, tỉnh thành phố hoặc tương đương. Bà cũng công bố 80 công trình trên các tạp chí và Hội thảo Khoa học trong nước, quốc tế.
Năm 2007, Giáo sư Đặng Thị Kim Chi đã vinh dự được trao Giải thưởng Kovalevskaia.