GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy: Làm tất cả công việc thật tốt để cảm ơn nghề đã chọn mình

GS.TS.NGƯT NGUYỄN MINH THỦY: LÀM TẤT CẢ CÔNG VIỆC THẬT TỐT ĐỂ CẢM ƠN NGHỀ ĐÃ CHỌN MÌNH

GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy, giảng viên Bộ môn Công nghệ Thực phẩm (Khoa Nông nghiệp, trường Đại học Cần Thơ), là 1 trong số 2 nhà khoa học nữ vừa được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021.

Bà được biết đến qua các nghiên cứu hướng tới các giải pháp, chiến lược nhằm giải quyết lâu dài vấn đề trong tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nông dân và ngành nông nghiệp khi gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, bệnh dịch. Bà còn là nhà giáo đáng kính của nhiều thế hệ học trò. PNVN đã có cuộc trò chuyện với GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy.

Vượt qua định kiến giới, áp lực về thời gian

+ Thưa GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy, tại sao bà chọn nghề giáo để gắn bó?

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1984, tôi suy nghĩ sẽ trở về quê nhà để phục vụ bằng những kiến thức mình đã được trang bị. Tuy nhiên, trường Đại học Cần Thơ đã giữ tôi lại làm công tác giảng dạy, cộng với sự ủng hộ từ gia đình và những mong đợi của thầy cô, tôi đã quyết định ở lại trường và cơ duyên trở thành nhà giáo bắt đầu từ đó. Sau nhiều năm liền gắn bó với trường, với sinh viên, tôi nhận ra rằng dù mình chọn nghề hay nghề chọn mình thì vẫn phải cống hiến nhiệt tâm. Cho đến bây giờ, tôi vẫn một lòng dành hết tâm huyết cho trường, cho sinh viên. Tôi đã làm tất cả công việc thật tốt để cảm ơn nghề đã chọn tôi.

+ Cơ duyên nào đưa bà đến với ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm?

Những năm học cấp 3, tôi đã bị ảnh hưởng lớn từ bữa cơm gia đình luôn ngon và đẹp mắt nhờ bàn tay của mẹ. Tôi còn quan sát thấy nông sản là nguồn thực phẩm thiết yếu cho đời sống con người nhưng chúng khó bảo quản được lâu. Chúng sẽ đi dần đến giai đoạn hư hỏng, tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch thường rất cao, đặc biệt với nhiệt độ cao trung bình hàng năm của một quốc gia nhiệt đới. Vì vậy, tôi đã mong muốn làm sao có thể giữ nông sản được lâu hơn. Tôi nghĩ khi có sự đóng góp của khoa học công nghệ cho quá trình phát triển các sản phẩm nông nghiệp, thông qua các hoạt động tồn trữ bảo quản và chế biến sản phẩm mới với chất lượng cao và an toàn, thì nguồn lợi nông sản thực phẩm mới đảm bảo cung cấp tốt cho người dân nước mình. Chính vì vậy mà tôi đã theo ngành Công nghệ thực phẩm từ năm 1980 tại trường Đại học Cần Thơ.

+ Bà có gặp những khó khăn trong hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH)?

NCKH thông thường là những hoạt động khó khăn, thử thách, bất kể thời gian và một vấn đề lớn hơn đó là trang thiết bị phục vụ cho NCKH. Tôi nghĩ rằng trong nhiều năm công tác và làm NCKH thì khó khăn chỉ là nhất thời. Tôi đã vượt qua được rào cản định kiến về giới, vượt qua những áp lực về thời gian, tìm kiếm nhiều phòng thí nghiệm trong nước và ở những quốc gia khác trên thế giới mà tôi có mối quan hệ để hỗ trợ cho việc nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, với tôi thì giảng dạy và NCKH phải luôn gắn kết với nhau để có những bài giảng hay và hướng đến những ý tưởng mới có tính sáng tạo. Mỗi ngày đến lớp luôn là một ngày vui, vì vậy khó khăn nào cũng vượt qua.

+ Bà có thể kể về những công trình nghiên cứu liên quan/hỗ trợ cho phụ nữ?

Tôi đã tham gia Dự án Dinh dưỡng cho phụ nữ nông thôn với tổ chức của Thụy Điển; Dự án hỗ trợ và phát triển vì phụ nữ và trẻ em của tổ chức "Bánh mì thế giới". Với cả 2 dự án này, chúng tôi đã hỗ trợ tích cực cho phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa của Đồng bằng sông Cửu Long, giúp họ nhận thức được những loại thực phẩm dinh dưỡng hỗ trợ tốt cho bữa ăn gia đình, nâng cao đời sống của đại bộ phận phụ nữ nông thôn, hướng dẫn và giúp họ có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.

Với các đề tài thực hiện trong nước, hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ trái sim rừng ở Măng Đen (Kon Tum) đã giúp công ty kinh doanh phát triển, tạo thương hiệu đặc sản của tỉnh và tạo được việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ dân tộc ở Măng Đen, Kon Plông (Kon Tum) khi họ thực hiện công việc hái sim và bán cho các cơ sở sản xuất hằng ngày.

GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy: Làm tất cả công việc thật tốt để cảm ơn nghề đã chọn mình - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (thứ 2 từ phải sang), Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam Nguyễn Thị Doan (thứ 3 từ phải sang), Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (bìa trái) và 2 cá nhân được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 (GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy ở bìa phải). Ảnh: Tuấn Dũng

Quan tâm đến từng bữa ăn của gia đình

+ Bên cạnh hoạt động NCKH, bà từng làm công tác quản lý với vai trò Phó trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, làm công tác giảng dạy tại trường… Vậy, bà đã cân đối ra sao giữa công việc và gia đình?

Là phụ nữ thì công việc và gia đình luôn có nhiều thách thức. Tôi phải tính toán thời gian rất chi li gần như từng phút để cân đối giữa việc chăm sóc gia đình và toàn tâm toàn lực cho công tác giảng dạy, NCKH. Vì có lợi thế nghiên cứu sâu về dinh dưỡng người nên những bữa ăn của gia đình là vấn đề tôi quan tâm hơn cả. Dù bận rộn với nhưng bữa ăn gia đình luôn theo tiêu chí "ngon, đẹp, dinh dưỡng và an toàn". Có khi bữa ăn được chuẩn bị từ chính các sản phẩm mà tôi và nhóm nghiên cứu tạo ra từ các kết quả NCKH, vừa ngon, vừa đẹp mà lại tiết kiệm thời gian...

+ Dự định sắp tới trong NCKH của GS là gì?

Các nghiên cứu hiện nay và sắp tới của tôi tập trung vào phát triển những công nghệ chế biến các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, người già và các đối tượng khác nhau từ các nguồn nguyên liệu động thực vật kết hợp, tạo sự cân bằng về năng lượng và giá trị dinh dưỡng. Sản phẩm tạo ra mang tính tiện dụng, phục vụ nhanh, hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, hỗ trợ cho người bệnh trong giai đoạn phục hồi, đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tồn tại và kéo dài.

Ngoài ra, tôi cũng đang tiếp tục nghiên cứu trích ly các hợp chất màu tự nhiên, cũng là các hợp chất sinh học, chất chống oxy hóa từ các loại rau hoa quả có màu sắc đẹp bằng các kỹ thuật mới. Hoạt động nghiên cứu này sẽ giúp mọi người có nhận thức đúng đắn về màu sắc tự nhiên vốn có từ nguồn thực phẩm đa dạng trong nước và sử dụng nguồn chất màu tự nhiên an toàn trong chế biến sản phẩm thương mại.

+ Lời khuyên của bà dành cho các bạn nữ khi theo đuổi giấc mơ nghiên cứu khoa học?

Mặc dù NCKH vẫn còn nhiều thách thức nhưng sinh viên nữ hoàn toàn có thể đạt được những thành công nhất định khi có đủ niềm tin, sự quyết tâm và duy trì niềm đam mê NCKH.

+ Xin cảm ơn bà!

Giải thưởng Kovalevskaia được mang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ 19 Sophia Kovalevskaia (1850 - 1891). Ở Việt Nam, từ năm 1985, Giải thưởng Kovalevskaia đã được các nhà khoa học nữ Việt Nam hưởng ứng, coi đó là nguồn động viên, cổ vũ chị em trên con đường nghiên cứu khoa học.

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 được trao cho 2 nhà khoa học nữ gồm: GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) và GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy, giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm, khoa Nông nghiệp, trường Đại học Cần Thơ.

Phạm Thương (Thực hiện)