Dân bán hàng tay ngang qua facebook lo bị đánh thuế

05/04/2017 - 15:43
Ngành thuế đang tính toán phương án để người bán hàng qua mạng xã hội, đặc biệt như facebook, sẽ phải đăng ký kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
kinh-doanh-buon-ban-tren-facebook.jpg
Hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế (ảnh minh họa)

Tại hội nghị về thuế mới đây, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ tài chính) cho biết đang tính toán phương án để người bán hàng qua mạng, đặc biệt là facebook sẽ phải đăng ký kinh doanh và phải có nghĩa vụ nộp thuế.

Hiện tại, việc kinh doanh thương mại điện tử, theo ông Minh, cần có sự phối hợp, họp bàn với Bộ Công thương để đưa ra những quy định cụ thể về yêu cầu kê khai làm cơ sở tính thuế với hoạt động thương mại trên mạng xã hội.

Chị Đinh Thị Huyền, Giám đốc Công ty Hợp tác phát triển Tây Bắc, cho biết: Doanh nghiệp đã có mã số thuế, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế; đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu qua mạng xã hội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp rất băn khoăn nếu cơ quan chức năng tính toán biện pháp thu thuế hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội, doanh nghiệp có bị đánh thuế 2 lần?

Chị Huyền cũng bày tỏ sự đồng tình với việc thu thuế với các hoạt động buôn bán trên mạng xã hội đặc biệt là facebook đang nở rộ hiện nay. Qua đó, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Còn chị Trần Thị Ngân, ở Linh Đàm, Hà Nội, cho rằng: Kinh doanh qua mạng xã hội phần lớn là những người buôn bán nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, tận dụng thời gian ngoài giờ làm việc ở cơ quan. Bản thân chị bán nem chua trên facebook, chủ yếu lấy công làm lãi. Vì thế, chị rất băn khoăn mức thuế và cách thức thu thuế sẽ ra sao. Chị Ngân cho hay, để khởi sự kinh doanh thành công từ buôn bán nhỏ, tiến dần lên quy mô lớn hơn, rất mong cơ quan chức năng có tính toán hợp lý về thuế, để hoạt động kinh doanh qua internet phát triển được và không bị tận thu.

Việc thực hiện thu thuế kinh doanh qua internet, ông Đặng Ngọc Minh cũng thừa nhận là rất phức tạp. Đặc biệt là khó chứng minh cá nhân mở cửa hàng trực tuyến trên mạng xã hội là kinh doanh hay chỉ đơn thuần là giới thiệu, tư vấn, tiếp thị sản phẩm.

Theo ông Minh, trước mắt vẫn động viên các cá nhân tự kê khai giao dịch như tên, địa chỉ, mã số thuế cá nhân để có thể kiểm soát thông tin. Còn về lâu dài vẫn cần phải tiếp tục tính toán, tìm giải pháp về công nghệ cho việc kê khai, nộp thuế.

Hiện nay cơ quan thuế mới quản lý được các doanh nghiệp thương mại điện tử, còn các cá nhân tham gia hoạt động này thì chưa quản lý được. Cả nước có hơn 40 triệu người sử dụng Internet, trong đó rất nhiều người sử dụng điện thoại thông minh thực hiện các giao dịch thương mại điện tử như bán hàng qua mạng, quảng cáo trực tuyến... Nhiều doanh nghiệp có thu hàng ngàn tỉ đồng/năm và đã thực hiện xuất khẩu sản phẩm thương mại điện tử ra nước ngoài. Tuy nhiên, hoạt động này mang tính ẩn danh, dễ dàng xóa bỏ hay thay đổi, giấu tên, khó xác định giá trị và giá bán, khó tìm kiếm giao dịch tương đương… 

Bà Nguyễn Thị Hánh, Phó trưởng Ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế)


 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm