Dân lo lắng khi chợ, siêu thị đóng cửa vì F0, ngành công thương Hà Nội nói sao?

Hải Yến
06/08/2021 - 21:37
Dân lo lắng khi chợ, siêu thị đóng cửa vì F0, ngành công thương Hà Nội nói sao?

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội

Về việc một số chợ, siêu thị đóng cửa vì có F0, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội khẳng định, đã phối hợp với các địa phương để đảm bảo cân đối cung cầu cho người dân.

Thời gian qua, một số chợ trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 như chợ đầu mối Long Biên, chợ Phùng Khoang, chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ), cửa hàng Vinmart...

Theo đó, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội khẳng định: "Với tính chủ động của Hà Nội và sự triển khai đồng bộ của các sở, ngành như Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải thì việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân trên địa bàn sẽ tiếp tục được đảm bảo".

Với chợ đầu mối phía Nam, lưu lượng hàng hóa qua chợ khoảng gần 300 tấn hàng/ngày, lượng rau củ quả chiếm 1/3, trái cây 2/3 và chủ yếu từ các tỉnh phía Nam ra. Như vậy, lượng rau củ quả không lớn lắm nên chưa ảnh hưởng nhiều đến tình hình cung ứng của Hà Nội.

Chợ đầu mối Minh Khai thì hầu hết tiêu thụ hàng cho người dân tại các huyện của Hà Nội và một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam. Sở đã phối hợp với các huyện tập trung hàng hóa lại, giao cho hệ thống phân phối của các siêu thị lân cận thu mua nên giảm ở chợ đầu mối thì tăng ở các siêu thị, vẫn đảm bảo cung ứng hàng hóa trên địa bàn một cách bình thường.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội đang chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tìm các điểm đất trống để giãn các chợ đầu mối. Hiện Sở đang dự kiến một số điểm, gồm Bến xe Hà Đông; cụm công nghiệp Nam Hà Nội; khu tái định cư tại Tiên Dược, Sóc Sơn; khu triển lãm tại 489 Hoàng Quốc Việt và 1 điểm ở Gia Lâm... để trung chuyển hàng hóa, hạn chế vào các chợ đầu mối sâu trong nội thành.

"Tất cả các phương án này Thành phố đang quyết liệt chỉ đạo triển khai đồng bộ, tích cực để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đảm bảo hiệu quả, quan trọng nhất là đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội", Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Dân lo lắng khi chợ, siêu thị đóng cửa vì F0, ngành công thương Hà Nội nói sao? - Ảnh 1.

Nhiều siêu thị Vinmart phải đóng cửa vì có F0. ảnh minh hoạ

 Cung ứng hàng hoá gấp 3 lần thông thường

Trước việc Hà Nội sẽ tiếp tục thêm 15 ngày giãn cách xã hội, quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan nói: "Khẳng định 1 lần nữa, trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 17 của UBND Thành phố, việc cung ứng hàng hóa cho người dân đảm bảo đầy đủ, giá cả bình ổn, không để thiếu hàng, sốt hàng, không để người dân không mua sắm được hàng hóa thiết yếu".

Theo đó, Sở Công thương Hà Nội đã chủ động các hệ thống phân phối để cung ứng hàng hoá gấp 3 lần thông thường, với 194 nghìn tỷ đồng cho việc dự trữ hàng hoá, các doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng ở các kho lưu trữ.

Sở Công thương Hà Nội cũng đã phối hợp với các địa phương bố trí các điểm bán hàng lưu động phù hợp, vận động các đơn vị có những điểm bán hàng không thiết yếu chuyển sang bán hàng thiết yếu; tăng cường thương mại điện tử, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho các khu vực cách ly... Ngoài ra, Sở Công thương kích hoạt thêm 800 điểm bán hàng thiết yếu, đang phối hợp với Bưu điện Thành phố để mở thêm 472 điểm nữa và phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội như hội phụ nữ, đoàn thanh niên để mở thêm các điểm bán hàng thiết yếu phục vụ nhân dân.

Ngoài 21 tỉnh, thành khu vực phía Bắc đang cung cấp cho thị trường Hà Nội, Sở Công thương đã phối hợp với một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, những tỉnh chưa có dịch để chủ động sẵn sàng thay thế nguồn cung cho các địa phương đang cung cấp cho Hà Nội nếu như có dịch.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm