Đàn ông chia sẻ việc nhà: Bao giờ có hồi kết?

19/10/2017 - 15:45
Ở đâu đó trong xã hội, có người còn coi vấn đề phụ nữ là chuyện “cho vui” hoặc “phải nói”; mấy từ ngữ “giải phóng phụ nữ” hay “nữ quyền” lẽ ra chỉ nên nằm trong từ điển, mấy câu chuyện tranh đấu, bình quyền thì dạy cho con như một phần của lịch sử.
Kể từ lần đầu tiên được tổ chức trên thế giới (8/3/1911) đến nay đã hơn 100 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ. Ở Việt Nam, nếu tính từ ngày thành lập Hội Phụ nữ phản đế (20/10/1930), đến nay phong trào phụ nữ cũng đã có lịch sử hơn 80 năm.

Chừng đó thời gian, với những chính sách, luật pháp và các chương trình hành động… được thực hiện trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, khiến người ta có cảm giác vấn đề phụ nữ ở Việt Nam đã giải quyết xong rồi.
20160311075124-dan-ong.jpg
Ảnh minh họa
Một cách nào đó, quyền đi làm và có địa vị kinh tế là nội dung quan trọng trong vấn đề nữ quyền ở hầu hết các nước nhưng nội dung này khi đem áp dụng vào Việt Nam vẫn thấy… có vấn đề. Đất nước nông nghiệp, công việc chủ yếu ở trên đồng ruộng, những trồng, hái, cấy, gặt, nghiễm nhiên phần lớn công đoạn của mùa vụ ở trên vai phụ nữ. 

Khi có giặc ngoại xâm, đàn ông trai tráng ra trận, trở về chưa kịp khoan sức dân đã lại tòng quân, lương thảo nuôi quân, việc hậu phương tứ bề nguy cấp, nếu không nhờ những người mẹ, người vợ tảo tần làm sao có chiến thắng lẫy lừng nơi trận mạc, làm sao sử sách ghi danh vô vàn dũng tướng xả thân vì nghiệp nước!

Chưa nói “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, việc nhà việc nước, người phụ nữ hai vai không biết bên nào nặng nhẹ. Sử sách đã ghi danh Trưng Trắc, Trưng Nhị hay Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân, dấn thân nơi hòn tên mũi đạn, sức vóc đàn bà thời khắc ấy không ai hơn thiệt với đấng mày râu.
photo-1-1491203143442.jpg
    Người phụ nữ hiện đại không chỉ lao động nuôi quân, nuôi chồng; phụ nữ hiện đại tham gia vào mọi khâu đoạn vận hành của xã hội.  Ảnh minh họa

Thời chiến ra trận, thời bình… thi thố làm quan. Truyền thống nam nhi Việt Nam đời này qua đời khác không có mấy khác biệt. Sách vở từng kể nhiều về anh Nho sinh dài lưng tốn vải, ăn cơm vợ, nói chuyện vua, chót đời không biết có chút lộc vua vẫn kinh khi vợ “hạng đàn bà xó bếp”.

Đến nỗi anh Nho sinh Trần Tế Xương phải tự giễu mình “tiền bạc phó cho con mụ kiếm/ ngựa xe chẳng thấy lúc nào ngơi”.

Nhưng phụ nữ hiện đại không chỉ lao động nuôi quân, nuôi chồng; phụ nữ hiện đại tham gia vào mọi khâu đoạn vận hành của xã hội. Ngày nay, người phụ nữ để khẳng định mình phải học hành, phấn đấu, làm việc.

Về phương diện xã hội, họ không thua kém nam giới, trong khi vẫn giữ nề nếp truyền thống làm vợ, làm mẹ, quán xuyến gia đình. Vậy một cách sòng phẳng, phải thấy gánh nặng cuộc sống đối với phụ nữ nặng hơn đàn ông.
policy-management-software2.jpg
Ngày nay, người phụ nữ để khẳng định mình phải học hành, phấn đấu, làm việc.  
Ảnh minh họa

Cho nên cuộc cách mạng nữ quyền ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây có một nội dung nghe qua khá… dễ dàng nhưng mãi không có hồi kết, đó là chuyện đàn ông chia sẻ việc nhà!

Giá không phải ra ngoài đi làm! Giá được thảnh thơi đợi chồng mang tiền về! Hàng triệu phụ nữ Việt Nam giữa những cơn lao lực bươn bả mưu sinh, bỗng mơ màng ao ước dù biết không thể nào hiện thực. Giấc mơ xót xa, như những nghịch lý đau lòng trong truyền thống đến giờ chưa mấy đổi thay.

Không trọng nam khinh nữ nhưng những cuộc lựa chọn giới tính vẫn âm thầm diễn ra nơi những phòng khám phụ sản, mặc cho truyền thông và các nhà hoạch định chính sách lên tiếng vì giới tính mất cân bằng trầm trọng!

Những quan niệm lệch lạc lỗi thời còn ăn sâu trong đời sống, hay có nguyên do đau đớn hơn, khi những người mẹ tuyệt vọng giấc mơ đổi đời bỗng choàng tỉnh hy vọng nơi một thân phận nam nhi, nơi một kiếp khác?

Không phải chỗ làm, không phải những con số về năng lực hay tiền bạc, cuộc cách mạng giới té ra vẫn còn bao nhiêu điều gian nan, cho đến chừng nào mỗi người mẹ có quyền tự hào mình đã sinh ra một người nữ, cho gia đình và xã hội!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm