pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đàn ông Việt đang chịu nhiều áp lực, cô đơn và lạc lõng
Đàn ông chịu nhiều áp lực 'trụ cột gia đình". Hình minh họa: Cafebiz
3% đàn ông có ý định tự sát
Theo kết quả của nghiên cứu "Nam giới và nam tính trong một Việt Nam hội nhập" vừa được Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) công bố ngày 4/11, nam giới Việt Nam hiện phải đối mặt với áp lực xã hội rất lớn khi phải tuân thủ những chuẩn nam tính. Các tiêu chí về người đàn ông Việt Nam đích thực được đề ra quá cao buộc nam giới phải cố gắng không ngừng để đạt được chúng.
Cùng với quá trình thực hiện nhiệm vụ gần như bất khả thi này, nam giới phải đối mặt với áp lực xã hội rất lớn khi phải tuân thủ những chuẩn nam tính như vậy. Tài chính và sự nghiệp được phát hiện là hai vấn đề gây áp lực lớn nhất cho nam giới cả nông thôn và đô thị. Gần 1/4 nam giới tham gia khảo sát đã thừa nhận họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó có hơn 80% cảm thấy bị áp lực về tình trạng tài chính và gần 70% bị áp lực về sự nghiệp.
TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện ISDS nhấn mạnh, những người tự nghĩ là mình chẳng đóng được vai trò trụ cột thì thường xuyên bị ám ảnh với suy nghĩ rằng mình thất bại trong vai trò của một người đàn ông "đích thực".
Để đối phó với những áp lực và tình trạng căng thẳng, nhiều nam giới Việt đã tìm đến thực hành có hại, trong đó hút thuốc lá, uống rượu bia là hai hành vi phổ biến nhất. Khảo sát trên 2.500 mẫu nam ở 4 tỉnh đã cho thấy, nam giới thường thực hành những hành vi nguy cơ như hút thuốc (55% hút thường xuyên), từng uống rượu tới mức say xỉn (58%).
Cứ 10 nam giới thì có 7 người hút thuốc lá và có 6 người từng uống tới say xỉn ít nhất một lần trong đời. Những chuẩn nam tính cứng nhắc có thể khiến đàn ông cảm thấy thất bại nặng nề nếu họ không thể hiện được vai trò trụ cột của gia đình. Điều đó cùng với việc uống rượu như một biểu tượng nam tính, có thể dẫn đến bạo lực gia đình.
Ngoài ra, gần 3% nam giới đã có ý định tự sát (nông thôn: 2,08%, đô thị: 3,94%), trong số đó, nhóm nam giới trẻ có ý định tự sát nhiều hơn (nhóm 18-29 tuổi: 5,43%, nhóm 30-39 tuổi: 3,71%). Một trong những lý giải cho hiện tượng này có thể là trong khi nhóm nam nhiều tuổi hơn đã ổn định cuộc sống gia đình và sự nghiệp thì nhóm nam giới trẻ, áp lực rất lớn về việc xây dựng gia đình và sự nghiệp.
Mặt khác, khu vực đô thị lại là nơi có sự cạnh tranh mạnh hơn và chi phí cho cuộc sống đắt đỏ hơn. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tỷ lệ tự tử ở nam giới đã gia tăng trong những năm gần đây và cao hơn gấp 3 lần tỷ lệ này ở phụ nữ.
Cần giải nén chuẩn mực giới
Theo TS. Khuất Thu Hồng, mục tiêu bình đẳng giới thực chất ở Việt Nam vẫn chưa đạt được, khoảng cách giữa hai giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là sự thiếu quan tâm đến nam giới như một nửa của xã hội. Do đó, cần giải nén chuẩn mực giới và cải thiện chất lượng cuộc sống của nam giới.
Bản thân mỗi nam giới cần thấu hiểu chính mình để thay đổi nhiều định kiến trước nay. Có thể thấy rằng người vợ ngày nay đã chia sẻ gánh nặng kinh tế rất nhiều với chồng nên người chồng đừng bị ám ảnh bởi mấy chữ "trụ cột gia đình". Mặt khác, nam giới nên xem việc chia sẻ gánh nặng gia đình là của cả hai người và thông cảm cho nhau. Nam giới cũng cần được quan tâm, cần một chỗ dựa vững chắc nơi người vợ để giảm đi gánh nặng tâm lý trong cuộc sống.
Còn theo GS.TS. Đặng Nguyên Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, thực hành giới tích cực chưa được xã hội, đặc biệt là gia đình cổ vũ, công nhận, thấu hiểu khiến đàn ông bị mắc kẹt về chuẩn mực giới rất lớn. Phim ảnh và quảng cáo vẫn củng cố hình ảnh/chuẩn mực giới của nam là doanh nhân giàu có, uống rượu, hút thuốc, thậm chí là ngoại tình, còn phụ nữ chỉ làm bếp, việc nhà. Do đó, truyền thông cần thay đổi để có cách nhìn về giới thấu đáo hơn, các sản phẩm báo chí, truyền hình cần có nhạy cảm giới.
Bà Nguyễn Vân Anh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới, gia đình, và vị thành niên (CSAGA) thì cho hay: "Trong một nghiên cứu của chúng tôi, khi nam giới được hỏi về kỳ vọng với nữ giới thì rất ít tiêu chí. Trong khi với nữ giới, họ kỳ vọng vào nam giới vô cùng nhiều. Bản thân nam giới rất áp lực để vợ không so sánh chồng mình với những người đàn ông khác". Theo bà Vân Anh, khi nghiên cứu, can thiệp bình đẳng giới, cần chú ý không đẩy nam giới về "bên kia chiến tuyến" khiến họ thấy đang bị tấn công, phê phán.
Theo nhiều chuyên gia khác, bởi nam tính là kiến tạo xã hội nên nam tính có thể thay đổi. Để thay đổi nam giới, giảm bớt những căng thẳng mà nam giới phải gánh chịu thì cần có dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm thần cho đàn ông; chú ý tới quá trình "kiến tạo một đứa trẻ" từ trong gia đình, nhà trường và cả truyền thông xã hội…
Thay đổi những chuẩn mực cứng nhắc về nam tính và những chuẩn mực mang tính định kiến giới đang tồn tại trong nam giới Việt Nam cần được nhìn nhận như là một phần quan trọng trong nỗ lực tập thể để thúc đẩy bình đẳng giới. Đây là cơ hội để xã hội Việt Nam định nghĩa lại "người đàn ông đích thực", đó là những người đàn ông đề cao bình đẳng giới.