Nhà trường được cho là nơi an toàn với trẻ, thế nhưng thời gian gần đây không chỉ xảy ra những vụ bạo lực học đường giữa giáo viên với học sinh, đáng sợ hơn còn là những vụ xâm hại tình dục ngay phía sau cánh cổng trường học.
Tình trạng xâm hại trẻ em nơi học đường có xu hướng gia tăng, hàng loạt những vụ xâm hại tình dục học sinh đang xảy ra ngay trong chính trường học. Mặc dù các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhiều người cùng chung tay bảo vệ trẻ em nhưng cho đến nay, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra khiến dư luận xã hội không khỏi hoang mang, lo lắng, đặt ra câu hỏi: Đâu là nơi an toàn với trẻ?
Trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, xâm hại tình dục trẻ em là một trong những chủ đề được nhiều ĐBQH quan tâm, phát biểu, chất vấn. Đặc biệt, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 vừa diễn ra đã thống nhất lựa chọn chuyên đề để giám sát tối cao trong năm 2020 là "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" bởi đây là vấn đề nóng, được nhân dân và cử tri cả nước quan tâm.
Để tạo ra một không gian an toàn cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi thì việc lên tiếng của công luận và việc xử lý nghiêm khắc các hành vi xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em nói riêng từ các cơ quan chức năng là chưa đủ. Làm thế nào để hạn chế mức thấp nhất hành vi xâm hại trẻ em mới là điều cốt lõi.
Đặc biệt, sự lên tiếng của các nhà hoạt động xã hội, người thi hành luật, báo chí và nhà trường trong phòng ngừa và ứng phó với nạn xâm hại tình dục trong trường học sẽ có ý nghĩa đặc biệt trong cải thiện nhận thức, quan điểm, hành vi của công chúng về vấn nạn này, đặc biệt góp phần xóa bỏ tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân.
Để góp tiếng nói, chung tay cùng xã hội lên tiếng, ngăn chặn mọi hành vi xâm hại trẻ em, với sự tài trợ của Cơ quan viện trợ Australia thông qua tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, ngày 28/6, Báo PNVN cùng với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Xâm hại trong trường học”.
Buổi tọa đàm sẽ trao đổi một số vấn đề chính như: Báo chí với việc đấu tranh phòng chống XHTD trong trường học; vai trò của các thầy cô, nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý; Những bất cập của luật pháp hiện hành để bảo vệ trẻ em trong nhà trường được tốt hơn, sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ trong việc phối hợp với nhà trường đấu tranh phòng chống XHTD đối với trẻ em.
Thời gian: 9h - 10h30 ngày 28/6/2019 (thứ 6) Địa điểm: Tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam - 47 Hàng Chuối, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội Các diễn giả tham dự tọa đàm gồm: - Bà Nguyễn Vân Anh - Chuyên gia về Giới/ Giám đốc CSAGA - Bà Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ban thường trực nhóm Nữ Đại biểu Quốc hội Việt Nam - Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật Fanci - Thạc sĩ tâm lý học Đinh Đoàn - nguyên Hiệu trường Trường THCS Xã Đàn - Nhà báo Quý Hiên - Báo Thanh niên. Nội dung Tọa đàm "Xâm hại trong học đường" sẽ được cập nhật tại: phunuvietnam.vn |