pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dân văn phòng trẻ dồn sức và sự sáng tạo vào ban đêm
Có một thói quen làm việc mà ta có thể dễ dàng nhận thấy trong văn phòng giữa thế hệ mới và thế hệ cũ. Giới dân văn phòng trẻ được xem là thế hệ "cú đêm" khi phần lớn họ thường dành thời gian tập trung làm việc vào ban đêm hơn, còn với thế hệ cũ thì hoàn toàn ngược lại.
Vào ban đêm giới văn phòng trẻ đặc biệt là những người làm thiên về sáng tạo thì thường nghĩ ra những ý tưởng đột phá, mới lạ và táo bạo. Tuy nhiên bên cạnh đó việc chỉ làm việc vào ban đêm cũng gây ảnh hưởng không ít đến đời sống sức khỏe và tinh thần.
Làm việc và sáng tạo vào ban đêm là hoàn toàn bình thường
Nếu bạn biết đến 4 nhóm kiểu đồng hồ sinh học với 4 loài vật đặc trưng của nhà tâm lý học Michael Breus thì bạn sẽ biết đến nhóm làm việc năng suất vào ban đêm (nhóm sói). Nhóm chiếm 15% dân số thế giới, nhóm thường là những người thức muộn trái ngược hoàn toàn với nhóm gấu. Người thuộc nhóm này sẽ thường dậy trễ, thích thức khuya và giải quyết công việc khi nhóm gấu bước vào thời gian nghỉ ngơi. Thời gian năng suất nhất của người thuộc nhóm này là sau 14h và sáng tạo nhất vào khoảng 17h trở lên.
Theo một số nghiên cứu bởi nhà tâm lý học Richard D. Roberts và Patrick C. Kyllonen, về những vấn đề liên quan đến toán học, đọc hiểu, trí nhớ ngắn hạn và tốc độ xử lý, người thường xuyên thức muộn có điểm số về trí thông minh cao hơn người có thói quen dậy sớm vào buổi sáng.
Bạn Thu (24 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Không khí về đêm thực sự giải tỏa, mọi thứ xung quanh yên tĩnh giúp bản thân có thể tập trung làm việc hơn. Mình làm thiên về sáng tạo nên có lẽ buổi đêm đem lại cho mình nhiều cảm hứng và xúc cảm nhất. Bản thân mình cũng thấy gen Z hiện nay họ cũng giống như mình, tập trung vào ban đêm còn buổi sáng thì chỉ làm việc vặt".
Đồng quan điểm với Thu, anh Dũng (làm IT, 26 tuổi) cũng cho biết bản thân cũng làm việc hiệu quả và năng suất hơn vào ban đêm.
Lối sống về đêm trở thành xu hướng của giới trẻ hiện nay khi mà công nghệ 4.0 và chuyển đổi số ngày càng phát triển. Những người trẻ hiện đại ngày càng chứng mình khả năng sáng tạo không giới hạn bất kể ngày đêm của mình.
Làm việc vào ban đêm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công việc cũng như sức khỏe
Khả năng sáng tạo của mỗi người là hoàn toàn khác nhau, điều này khó có thể ép buộc được. Những người có thể làm việc xuyên đêm là những người không bị bó buộc trong thời gian vào ban ngày, có thể ngủ muộn và dậy muộn như nghề freelancer.
Chúng ta đi làm phải theo một công ty hay tổ chức thì phải tuân thủ hoạt động của nơi đó như giờ đi làm, làm việc giờ hành chính... Bạn Thu cũng chia sẻ thêm: "Có hôm làm việc đến tận sáng 3-4 giờ nhưng sáng vẫn phải dậy chuẩn bị đi làm từ 8h, tính ra thì chỉ ngủ khoảng 4 tiếng. Sáng ra làm việc không hiệu quả, do thiếu ngủ nên mất tập trung, công việc đáng lẽ ban ngày làm thì ban đêm lại phải làm cho kịp. Có hôm nản quá không nghĩ ra gì lại vừa không ngủ được, vừa chậm deadline gây ảnh hưởng đến tiến độ công việc".
Và rồi kết quả nhận được là việc chậm tiến độ công việc khiến bản thân mất độ uy tín với sếp, tình trạng thiếu ngủ nhiều ngày gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. Vì vậy tuy cũng làm việc một ngày dài như bình thường mà nếu nhẩm tính năng suất lao động thì chẳng được bao nhiêu, cũng bận rộn là thế nhưng hoàn toàn không hiệu quả.
Thế hệ trước làm việc tập trung vào giờ hành chính, còn các thời gian khác dành cho việc nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân, gia đình.
Chị Oanh (Leader của 1 nhóm thành viên 4 người) cho biết: "Đúng là giới văn phòng trẻ hiện nay rất năng động và sáng tạo, họ có những ý tưởng rất đột phá. Tuy nhiên, do làm việc vào ban đêm các bạn đến văn phòng vào sáng sớm với tình trạng uể oải, năng suất rất thấp, không hiệu quả. Vì vậy, mình nghĩ các bạn cần lên kế hoạch làm việc cho bản thân thật cụ thể để tránh ảnh hưởng đến công việc cũng như sức khỏe. Đồng thời, tôi cũng hi vọng nhân viên của mình hiểu rõ khái niệm "cân bằng". Nếu cứ đổ cho cảm hứng khiến mọi người bị ảnh hưởng, không đảm bảo tiến độ là điều hoàn toàn không nên".
Làm thế nào để tập trung làm việc hiệu quả
Điều đầu tiên phải làm là bạn cần lên kế hoạch lịch trình làm việc thật cụ thể. Và từ đó bám sát các điều cần làm để tránh việc bỏ sót, xác định rõ mục tiêu làm việc của bản thân. Các công việc cũng nên được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, việc quan trọng nhất sẽ được giải quyết đầu tiên.
Cùng với đó là tìm ra lý do khiến bản thân không thể tập trung vào ban ngày được là gì. Nếu là yếu tố chủ quan, những cảm xúc mang tính tiêu cực như lo lắng, mệt mỏi, bồn chồn... khiến bạn khó chuyên tâm công việc. Bạn cần tìm ra lý do đứng sau những điều đó và xử lý chúng.
Còn với yếu tố khách quan như tiếng chuông điện thoại, âm báo tin nhắn... thì bạn nên để điện thoại ở chế rung hoặc im lặng, hạn chế cầm điện thoại để tránh bị phân tâm bởi môi trường xung quanh.
Thay vì cố gắng duy trì sự tập trung suốt cả ngày làm việc, bạn có thể tập trung xử lý công việc trong một khoảng thời gian cố định, sau đó là một quãng nghỉ ngắn. Công thức là 40:15:5. Theo đó, nhân viên cần tập trung làm việc mà không bị gián đoạn trong vòng 40 phút. Sau đó, bạn có thể kiểm tra hòm thư, điện thoại trong khoảng 15 phút tiếp theo. Và cuối cùng, 5 phút còn lại nên được tận dụng để nghỉ ngơi, vươn vai thư giãn, nói chuyện cùng đồng nghiệp.