pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đào tạo nghề là chìa khóa để phụ nữ có cơ hội phát triển bản thân và thoát nghèo
Có việc làm mở ra có cơ hội cho phụ nữ phát triển bản thân và thoát nghèo
Phụ nữ là nguồn nhân lực quan trọng và đông đảo góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Theo số liệu thống kê cuối năm 2021, phụ nữ chiếm 50,2% dân số và 46,5% tỷ lệ tham gia lực lượng lao động. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Việt Nam lên đến 70,9%, cao hơn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo của cả nước còn ở mức cao là: 87,1%. Trong đó, khu vực nông thôn là 92,8% và khu vực thành thị là 71,2%. Phần lớn phụ nữ nông thôn nói chung và lao động nữ nông thôn nói riêng có trình độ văn hóa hạn chế nên dẫn đến tỷ lệ được đào tạo nghề thấp. Tính riêng tại vùng nông thôn, tỷ lệ lao động nam qua đào tạo là 17,1% trong khi tỷ lệ đó của nữ giới là 12,5%.
Thực tế đến nay, tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật mới chỉ đạt 17,38%. Đặc biệt ở trình độ "Giáo dục nghề nghiệp", tỷ lệ lao động nữ có bằng/chứng chỉ "Giáo dục nghề nghiệp" là 12,86%, so với tỷ lệ tương ứng của lao động nam là 20,68%.
Còn nhiều khoảng cách giới trong tiếp cận cơ hội việc làm
Thực tế, tại nước ta còn nhiều khoảng cách gây ra sự chênh lệch về cơ hội việc làm giwuxa nữ giới và nam giới.
Đầu tiên phải kể đến là sự tách biệt giới theo ngành học. Tỷ lệ nữ giới theo học các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ khá thấp. Trong khi đây lại là những lĩnh vực quan trọng trong bối cảnh của cuộc các mạng công nghiệp 4.0.
Hiện tại, nữ giới tập trung nhiều hơn trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; giáo dục; buôn bán; dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình. Trong khi đó, nam giới tập trung ở các lĩnh vực: khai khoáng; xây dựng; vận tải, kho bãi; hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ.
Thứ hai là khoảng cách về giới trong tiếp cận giáo dục. Dù hiện nay, khoảng cách này tại khu vực nông thôn đã được thu hẹp nhưng vẫn tồn tại ở mức độ nhất định, đặc biệt là tại các huyện nghèo, xã nghèo.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (2020), tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp Trung học phổ thông với nữ ở nông thôn nói chung là 68,8% so với 79,5% ở thành thị. Chênh lệch về tiếp cận các cơ hội đào tạo là một trong những rào cản đối với phụ nữ trong tiếp cận thị trường lao động chính thức và các công việc lao động có trả lương.
Thêm vào đó, nhiều thông tin cho thấy, phụ nữ và đặc biệt phụ nữ nghèo, vùng sâu, vùng xa bị hạn chế trong tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội và áp lực gánh vác các trách nhiệm với gia đình. Đây là nhóm yếu thế trên thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn bình quân chung của cả nước, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp. Những vấn đề đó đã tác động rất nhiều đến cuộc sống gia đình, cơ hội phát triển nghề nghiệp và tạo ra bất bình đẳng đối với lao động nữ.
Như vậy, để có cơ hội việc làm thì lao động phải được đào tạo. Đào tạo nghề chính là chìa khóa để phụ nữ mở được cánh cửa việc làm, có thu nhập, tự đảm bảo cuộc sống, có cơ hội phát triển bản thân và thoát nghèo.
TƯ Hội LHPN Việt Nam được giao thực hiện một số nội dung liên quan đến giáo dục nghề nghiệp
Ngày 18/01/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tổng quát: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong đó một trong các kết quả và chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình là Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.
Bà Phạm Thị Thanh, Phó trưởng Ban hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam cho biết: Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia này, TƯ Hội LHPN Việt Nam được giao thực hiện một số nội dung liên quan đến giáo dục nghề nghiệp trong phạm vi Tiểu dự án 1 "Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn về quy mô quy mô và chất lượng đào tạo; hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống" thuộc Dự án 4 "Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững".
Việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của học nghề, cơ hội được học nghề cho phụ nữ và người dân tại huyện thông qua các chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước về đào tạo nghề hiện nay có vai trò rất quan trọng.
Diễn đàn, nói chuyện chuyên đề về cơ hội học nghề, có việc làm cho phụ nữ bước đầu sẽ giúp cho phụ nữ, phụ nữ huyện nghèo có thêm kiến thức, nhận thức để mạnh dạn tự tin và tích cực tham gia học nghề trong thời gian tới nhằm có việc làm, có thu nhập cải thiện đời sống, thoát nghèo và xa hơn nữa có thể làm giàu cho gia đình và địa phương nơi mình sinh sống. Qua đó thúc đẩy phụ nữ tích cực tham gia học nghề, có việc làm, có thu nhập góp phần thực hiện bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo.
Các nội dung bao gồm trao đổi xoay quanh: thông tin về các chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước liên quan đến hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu, tạo việc làm sau học nghề cho người lao động; Giới thiệu các chương trình, nội dung các nghề đào tạo hiện có trên địa bàn phù hợp với nhu cầu học nghề của phụ nữ, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn và các vùng lân cận, đảm bảo người học có việc làm, thu nhập ổn định ngay sau đào tạo nghề...; các điều kiện để đảm bảo phụ nữ học nghề thành công...