Quan tâm hơn nữa đào tạo nghề cho thanh niên yếu thế, người dân tộc thiểu số, phụ nữ

PV
30/03/2022 - 14:42
Quan tâm hơn nữa đào tạo nghề cho thanh niên yếu thế, người dân tộc thiểu số, phụ nữ

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (thứ 3 từ phải sang) và các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn. Ảnh: quochoi.vn

Ngày 30/3, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban Quốc gia về thanh niên tổ chức Diễn đàn Chính sách quốc gia về thanh niên (Diễn đàn thanh niên 2022) với chủ đề "Đào tạo nghề cho thanh niên".

Tham dự Diễn đàn có khoảng 300 đại biểu, trong đó khoảng 150 đại biểu thanh niên, tập trung trao đổi các vấn đề, như: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho thanh niên; công tác đào tạo nghề cho thanh niên các nhóm thanh niên nông thôn, công nhân, khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên; các chính sách và khuyến nghị về đào tạo nghề cho thanh niên trong tình hình dịch bệnh Covid-19 và cuộc Cách mạng 4.0...

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Những năm qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách để thanh niên trở thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng và dân tộc.

Tuy nhiên, thực tiễn còn đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, như  tỷ lệ thanh niên có kỹ năng nghề còn thấp; lao động trong thanh niên chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là thanh niên nông thôn chưa tiếp cận được nhiều thông tin đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo còn hạn chế; cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý về trình độ, ngành nghề, vùng miền, tâm lý thanh niên; dự báo về nhu cầu lao động thanh niên chưa thực sự sát với nhu cầu thị trường lao động và doanh nghiệp; đào tạo nghề nghiệp cho thanh niên yếu thế, người dân tộc thiểu số, phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức…

Quan tâm hơn nữa đào tạo nghề cho thanh niên yếu thế, người dân tộc thiểu số, phụ nữ - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh quochoi.vn

Giai đoạn 2016-2020, tuyển sinh học nghề cả nước đạt trên 11 triệu người, trong đó hơn 22,3% theo học Trung cấp, Cao đẳng chủ yếu là đối tượng thanh niên.

Cả nước có gần 4,6 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách, trong đó khoảng 57,3% là thanh niên.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Cao đẳng, Trung cấp có việc làm tăng lên, năm 2020 đạt khoảng 85%.

Chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam xếp thứ 102/141 quốc gia, đây là mức tăng xếp hạng cao nhất trong các quốc gia ASEAN.

Qua Diễn đàn này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu và có những giải pháp hiệu quả, chuyển các ý tưởng, lời nói thành hành động, kết quả, hiệu quả cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đồng thời giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện thật tốt và giám sát thực hiện về đào tạo nghề cho thanh niên; đồng thời nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, những chính sách đột phá để đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, những năm qua, Việt Nam đã từng bước tham gia vào phân công lao động quốc tế. Tới đây, xu thế phân công lao động sẽ mạnh mẽ hơn dưới tác động của cách mạng khoa học công nghệ, diễn biến ngày càng khó lường của tình hình thế giới, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nền kinh tế.

Theo đó,  đặt ra yêu cầu phải thay đổi, cập nhật liên tục, linh hoạt đối với hệ thống giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, nhất là trang bị các kỹ năng mềm cho lao động thanh niên như làm việc theo nhóm, tham gia các hoạt động cộng đồng, xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, giáo dục nghề nghiệp phải tạo sự liên thông hai chiều giữa học văn hóa và học nghề ngay từ bậc phổ thông, bảo đảm bình đẳng cho tất cả những người có nhu cầu học tập nghề nghiệp, văn hóa; tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ thông tin, nhằm hình thành và chia sẻ học liệu mở.

Bên cạnh đào tạo nghề nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc thúc đẩy các mô hình học tập suốt đời có vai trò rất quan trọng để mỗi cá nhân được phát triển toàn diện, thực sự trở thành một nhân tố hữu ích cho cộng đồng, xã hội, đất nước và hướng tới công dân toàn cầu.

Do tác động nặng nề của dịch COVID-19 dẫn đến nhiều thanh niên mất việc làm hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp: số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54% so với năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 8,48%, tăng 0,52%.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm