pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quan tâm hơn nữa đến giáo dục vùng cao, bồi dưỡng nhân tài đối với hệ thống các trường dân tộc nội trú
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội - cho rằng, hiện nay, hệ thống giáo dục vùng dân tộc, vùng cao đã có nhiều chính sách ưu tiên của Đảng, thông qua các hệ thống trường chuyên biệt, các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú.
Tuy nhiên, vấn đề bồi dưỡng nhân tài đối với hệ thống các trường dân tộc nội trú và đối với học sinh dân tộc nội trú vẫn còn khiến nhiều người băn khoăn.
Theo đại biểu, hiện nay, tỷ lệ người dân tộc thiểu số học ở hệ thống các trường chuyên và các trường đại học trên toàn quốc là rất ít, rất thấp. Vì vậy, đại biểu đề nghị, cần phải lấy trường chuyên của tỉnh, lấy trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh là hệ chuyên cấp 3 đối với các học sinh dân tộc thiểu số.
Đại biểu nhấn mạnh, nếu chúng ta có một hệ thống từ xã trở lên, từ các cụm trường trở lên thì chắc chắn trường chuyên học sinh nội trú cũng sẽ chọn được những em có tố chất, có năng khiếu để hội nhập.
Theo đại biểu, trong đầu tư, những em học sinh có năng khiếu thật sự, bằng ngân sách có thể hợp đồng đào tạo với các trường đại học, chẳng hạn như các trường chuyên của Đại học Quốc gia, trường chuyên của Đại học Sư phạm Hà Nội 1 và tất cả các trường chuyên khác...
"Cả nước chúng ta hội nhập quốc tế thì đồng bào dân tộc thiểu số cũng phải hội nhập quốc gia. Và việc đó phải bắt đầu từ giáo dục. Theo tôi chú trọng đến nhân tài người dân tộc thiểu số mới hội nhập được" - ông Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.
Tiếp đó, theo đại biểu Cừ, cũng cần phải nghiên cứu hội nhập quốc tế ở các tỉnh biên giới. Theo đó, bằng vốn ngân sách, chúng ta có thể cử những em học sinh dân tộc thiểu số xuất sắc sang học các nước có biên giới với các tỉnh.
Đại biểu Cừ dẫn chứng: "Năm 2007, với cương vị công tác của mình, tôi đã tham mưu đối với tỉnh Điện Biên và cử được 10 em học sinh giỏi dân tộc sang Trung Quốc học bằng nguồn ngân sách, bây giờ về nước các em phát triển rất tốt".
Đại biểu Cừ nhấn mạnh: "Tôi muốn đi vào chiều sâu, dành nguồn ngân sách đầu tư chính đáng để đào tạo những người dân tộc có năng khiếu, có tố chất để chúng ta có cơ hội để hội nhập quốc gia".
Cũng liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Hà Sỹ Huân - ĐBQH tỉnh Bắc Kạn - cho biết, đối với Chương trình nông thôn mới, các xã khu vực 2, khu vực 3 khi hoàn thành nông thôn mới, sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ như giáo dục, y tế, bảo hiểm, tín dụng, hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng như các xã khu vực 2, khu vực 3. Do đó, đại biểu đề nghị, đối với các xã đã đạt nông thôn mới cần tiếp tục được hưởng chính sách như đối với các xã khu vực 2, khu vực 3 đến hết giai đoạn. Học sinh THCS hiện đang sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn đi học ở các trường thuộc địa bàn khu vực 1 cũng được hưởng chính sách tiền ăn, hỗ trợ nhà ở, tiền hỗ trợ gạo theo quy định như học sinh tiểu học, THCS đang sinh sống tại thôn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn. Đây mới là chính sách phù hợp đối với đồng bào dân tộc, nhất là các xã có con em khi đã hoàn thành nông thôn mới.
Thay mặt Chính phủ và được thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cảm ơn Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, ban hành nhiều nghị quyết nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian qua.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm về điều chỉnh nguồn vốn của chương trình, về phạm vi và đối tượng của chương trình, về tiến độ thực hiện chương trình…