pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm ở trẻ em mọi phụ huynh cần biết
Ngộ độc thực phẩm là một trong những vấn đề sức khỏe có thể gặp ở bất kì đối tượng và độ tuổi nào. Tuy nhiên, trẻ em dưới 5 tuổi là đối tương có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm. Vậy ngộ độc thực phẩm ở trẻ em có những dấu hiệu nào? Có cách nào phòng ngừa ngộ độc thực phẩm ở trẻ em không?
1. Những dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm ở trẻ em
Ngộ độc thực phẩm tuy gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe nhưng lại rất dễ phát hiện. Thông thường, trẻ ăn hoặc uống phải các thực phẩm bị nhiễm độc thì các biểu hiện của ngộ độc thức ăn thường xuất hiện ngay sau đó vài giờ hoặc trong vòng 1,2 ngày.
Theo các bác sĩ, dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm ở trẻ em là tình trạng tiêu chảy, đi kèm với nôn mửa. Trong đó, nôn mửa khi bị ngộ độc thực phẩm ở trẻ em có thể kéo dài khoảng một ngày. Triệu chứng tiêu chảy thường sẽ kéo dài nhiều hơn, có thể 2,3 ngày, 1 tuần hoặc lâu hơn tùy thể trạng từng bé.
Ngoài ra, ngộ độc thực phẩm ở trẻ em còn có các dấu hiệu nhận biết sau:
- Trẻ bị sốt.
- Cơ thể mệt mỏi.
- Trẻ bị đau bụng.
- Trẻ đau đầu.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, các bậc cha mẹ nên chú ý con em mình khi có các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm vì tình trạng tiêu chảy và nôn ói có thể gây mất nước. Mà người bệnh là trẻ em, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, có thể bị mất nước rất nghiêm trọng và kiệt sức rất nhanh.
Tìm hiểu Những dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm nhẹ để tìm biện pháp xử lý kịp thời.
Không những thế, mất nước, mất điện giải còn rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn nếu nguyên nhân ngộ độc thực phẩm ở trẻ em là do vi khuẩn gây nên. Vì vậy, khi trẻ bị mất nước, kèm theo các dấu hiệu sau, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất:
- Trẻ đi tiểu ít.
- Người lừ đừ.
- Miệng trẻ khô, mắt trũng.
- Môi và lưỡi khô.
- Trẻ ngủ gà ngủ gật.
- Chân tay trẻ yếu.
- Trẻ khóc mà ra ít nước mắt.
- Chân hoặc bàn tay trẻ lạnh.
- Làn da nhợt nhạt.
- Trẻ thở nhanh, thở dốc.
2. Nguyên nhân gây ngộ độc ở trẻ em
Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em thường ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Vậy nguyên nhân gây nên ngộ độc thực phẩm ở trẻ em là gì?
Các bác sĩ cho biết nguyên nhân chính gây nên ngộ độc thực phẩm ở trẻ là do trẻ ăn uống phải các thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm chất hóa học hoặc nhiều yếu tố gây hại khác. Trong đó, vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng ngộ độc thức ăn ở trẻ.
Ngoài ra, trẻ bị ngộ độc thực phẩm còn do virus, ký sinh trùng, chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, chất ép trái cây chín nhanh, hóa chất...
Các bậc cha mẹ cần lưu ý trẻ nhỏ sẽ có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm nếu như lơ là, thiếu chú ý trong khâu lựa chọn, chế biến thức ăn cho trẻ.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần nhớ rằng việc giữ vệ sinh tay kém, không có thói quen rửa tay thường xuyên ở trẻ nhỏ cũng là một trong những yếu tố khiến trẻ dễ bị ngộ độc thực phẩm.
Trẻ bị ngộ độc thực phẩm rất dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. Vì thế, khi trẻ bị ngộ độc, cha mẹ cần chú ý tới tình trạng nôn mửa của trẻ, cho trẻ ăn các thức ăn mềm, uống nhiều nước. Điều quan trọng nhất là cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế khi trẻ có các dấu hiệu ngộ độc nặng.