pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dạy con lòng biết ơn bằng cách gieo hành vi và cảm xúc

Kiệt sức vì con
Thời gian gần đây, ai nhìn thấy chị Nguyễn Thị Thúy (Phú Thọ) cũng cảm thấy xót xa. Chị giảm cân, tóc rụng và mắt thâm quầng. Những người thân của chị đều biết lý do là vì cậu con trai đang học lớp 10 của chị "nổi loạn quá đà".
Gia đình không mấy khá giả, bố mẹ đều là lao động tự do nhưng Thắng (con trai chị Thúy) không có ý thức giúp đỡ, chia sẻ với bố mẹ. Đi học về đến nhà là Thắng quăng cặp sách, quần áo vào một góc rồi lập tức "ôm" điện thoại chơi điện tử.
Cứ đến gần trưa, chị Thúy đang bán hàng ở chợ lại tất bật nhờ người trông hàng hộ để về nấu cơm cho con trai. Ăn xong, con chị cũng "tấp" bát vào chậu, không rửa và tiếp tục "cày game".
Khi bố mẹ nhắc nhở và nói con phải tự chăm sóc bản thân, sáng mẹ sẽ cắm sẵn nồi cơm, trưa con về tự lo đồ ăn. Nghe vậy thằng bé lập tức nổi quạu và tuyên bố: "Con không ăn nữa, mẹ không cần phải nấu cho con!". Nói là làm, Thắng lập tức "tuyệt thực" nguyên ngày. Xót con, chị Thúy lại nấu ăn nhưng nó vẫn thể hiện thái độ bất cần đời, không ăn, không nói chuyện như thể muốn "trả đũa" bố mẹ.
Bất lực, không biết làm cách nào có thể tìm được tiếng nói chung với con khiến chị Thúy ăn không ngon, ngủ không yên. "Tôi cũng biết, con đang ở tuổi dậy thì nên dù mệt mỏi tôi vẫn khá mềm mỏng với con. Nhưng dường như thay vì biết ơn cha mẹ đã vất vả chăm sóc mình, tình thương của cha mẹ lại trở thành chất xúc tác để con có thái độ hỗn hào như vậy!"- chị Thúy trải lòng.
Chị H.H.G, giáo viên một trường THCS ở Hà Nội kể, có học trò khi bị bố mẹ dạy bảo đã phản kháng lại bằng cách tiêu cực, tự làm đau bản thân bằng những vết cắt trên tay, chân, thậm chí mặt mũi cũng bầm tím. Đây là cách "đánh trực diện" vào trái tim những người làm cha, làm mẹ. Con ở tuổi "nổi loạn", có những mẹ gọi cho cô giáo, chỉ mới mở máy đã khóc nức nở vì trải qua cảm giác thất vọng "dường như nó không còn là con của tôi nữa".
Không phải bài giảng đạo lý
Chị Trần Thanh Hà (Đại La, Hà Nội) chia sẻ, lập gia đình muộn nên vợ chồng chị chỉ có một mụn con. Chị rất sợ cưng chiều con quá, lớn lên con sẽ cứng đầu không dạy được. Vì thế ngay từ khi con còn nhỏ, chị đã thường xuyên tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về nuôi dạy con, làm bạn với con.

Cha mẹ nào cũng mong, niềm vui sẽ đi cùng con theo năm tháng
Điều chị Hà tâm đắc từ những buổi trao đổi này, chị học được kinh nghiệm xử lý tình huống qua những chuyện của các phụ huynh khác hoặc do chuyên gia tư vấn trao đổi. Chị cũng học được cách dạy con sống biết ơn và biết nói cảm ơn mỗi ngày với những người đã mang lại niềm vui hay giúp đỡ con.
Theo đó, tối nào trước khi đi ngủ, chị cũng nhắc con hoặc là viết ra ba điều làm con cảm thấy vui vẻ và những việc khiến con muốn nói lời cảm ơn trong ngày. Việc này khiến cả nhà đều thấy vui và ý nghĩa.
"Tôi thấy những việc mình làm cho con trở nên ý nghĩa hơn khi đọc/nghe những gì con cảm nhận. Đó có thể chỉ là câu ‘Con biết ơn vì hôm nay dù mệt nhưng mẹ vẫn nấu món cá mà con thích!", "Con muốn cảm ơn bố vì đã mua tặng con cuốn sách hay!"… Còn chị và chồng thì thường xuyên ghi vào sổ: "Bố mẹ thấy biết ơn vì hôm nay con gái có một ngày vui vẻ!", "Bố mẹ rất vui vì con gái đã đọc cho bố mẹ nghe một mẩu chuyện rất hay!", "Con gái mẹ đã biết quan tâm đến mọi người rồi, không còn giữ đồ ăn một mình nữa!", "Con gái bắt đầu biết tự rửa bát rồi, mẹ vui quá!"…
"Tôi không cần phải theo đuổi những khoảnh khắc phi thường để tìm hạnh phúc - nó ở ngay trước mắt tôi nếu tôi chú tâm và thực hành lòng biết ơn. Biết ơn không phải là cảm xúc nhất thời, mà là một thói quen cần được luyện tập hàng ngày".
GS Brené Brown (Đại học Houston, Mỹ)
Có thể cách làm thiết thực, không rao giảng đạo lý đã giúp con có khả năng phát triển tư duy và cảm xúc tích cực nên con gái chị Thanh Hà thường đi ngủ với nụ cười như đang hé nở trên môi. Ngày hôm sau của con lại tràn đầy năng lượng. "Có lần con gái tôi còn hồn nhiên hỏi, mẹ ơi, con muốn biết ơn hơn mười chuyện thì có được không? Tôi mừng vì việc này không phải là hình thức, con sẽ nhận ra giá trị tốt đẹp từ những hành động hay những chuyện con gặp trong ngày. Tôi mong, niềm vui sẽ đi cùng con theo năm tháng!".
Chị Nguyễn Hải Điệp (Vĩnh Phúc), lại thường kể với các con về tấm gương của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, người nổi tiếng với nghị lực phi thường, câu chuyện vượt lên nghịch cảnh và lòng biết ơn sâu sắc đối với cuộc sống và những người xung quanh. "Câu chuyện của ông là minh chứng rõ ràng cho việc lòng biết ơn và sự kiên trì có thể giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong cuộc sống"- chị Hải Điệp bày tỏ.

Sự biết ơn giống như một vòng tròn khép kín, lan tỏa sự tử tế đến với nhiều người.
Chị Hải Điệp kể với con về thầy giáo Ký bị liệt cả hai tay do một cơn bạo bệnh, không thể tự làm bất cứ việc gì bằng tay như những đứa trẻ bình thường khác. Mặc dù vậy, ông chưa bao giờ từ bỏ hy vọng và luôn có lòng biết ơn đối với sự sống và những người thân yêu xung quanh. Ông không bao giờ than vãn về hoàn cảnh của mình mà luôn cố gắng hết sức để hòa nhập với mọi người. Ông cảm thấy biết ơn vì mình có cơ hội học tập, có những người bạn bè, thầy cô giúp đỡ. Khi trưởng thành, ông trở thành một nhà giáo và cũng dành cả đời mình để truyền cảm hứng cho những thế hệ học sinh về lòng biết ơn và sức mạnh của sự kiên trì.
Nhiều chuyên gia tâm lý từng khẳng định: Lòng biết ơn là nguồn sức mạnh lớn lao với mỗi người. Nếu bạn sống với lòng biết ơn bạn sẽ luôn trân trọng những gì đang có và kiên trì, nỗ lực nhiều hơn vượt qua thử thách, bảo vệ những điều tốt đẹp này. Sự biết ơn giống như một vòng tròn khép kín, và nếu ta biết ơn, ta sẽ lan tỏa sự tử tế và giúp đỡ những người khác. Cha mẹ hãy ghi nhớ điều này!
Cha mẹ dạy con về lòng biết ơn qua 3 "công thức"
* Tạo thói quen "3 điều con biết ơn hôm nay"
* Làm gương cho con: Cha mẹ nên thể hiện sự cảm ơn với nhau, với người giúp đỡ mình.
* Trò chuyện với con về những hoàn cảnh còn khó khăn, thiếu thốn: Không cần so sánh, nhưng giúp con hiểu có những bạn nhỏ không có đủ cơm ăn, sách học... để khơi dậy lòng trân trọng.