Đồng hành cùng con bằng bí quyết "nghe sao cho trẻ nói, nói sao cho trẻ nghe"

N.Minh
25/04/2025 - 21:46
Đồng hành cùng con bằng bí quyết "nghe sao cho trẻ nói, nói sao cho trẻ nghe"

Nhiều trẻ dậy thì có suy nghĩ tiêu cực trước những áp lực hoặc bị tổn thương. Ảnh minh hoạ

Ở tuổi dậy thì, con chưa đủ mạnh mẽ để chống chọi với áp lực, tổn thương hay nỗi sợ. Trong khi đó không ít cha mẹ lại vô tình khiến con cảm nhận rõ ràng hơn sự thất bại và có suy nghĩ tiêu cực.

Những cú sốc bất ngờ

Chỉ vì một điểm kém trong bài kiểm tra, Thảo Linh đang học lớp 8 (Hà Đông, Hà Nội) ngồi thu mình trong góc phòng, tim đập loạn xạ khi nghe tiếng bước chân của bố về. Cô bé biết, trận đòn roi sắp đến cùng với những câu mắng chửi và cả ánh mắt thất vọng của bố.

Đầu óc Linh trở lên bấn loạn, em không suy nghĩ được gì ngoài nghĩ đến việc… làm thế nào để chết. Bởi em biết, bố rất áp lực việc học với con cái. Bố không chấp nhận được việc bố đã đầu tư cho con cái học hành nhưng con vẫn bị… điểm kém.

Lần khác, Thảo Linh vô cùng sợ hãi khi đi chơi với bạn về muộn. Em biết ánh mắt giận dữ, lời quát tháo của bố và có thể là cả những trận đòn roi đang chờ. Trong khoảnh khắc tuyệt vọng ấy, em định trèo lên sân thượng của chung cư và nhảy xuống. Em làm thế với hy vọng sẽ không phải đối mặt với cơn giận của bố. Ở tuổi mới lớn, bồng bột và nhạy cảm Linh đã nghĩ cái chết là một lối thoát dễ chịu hơn.

Cùng tuổi với Thảo Linh, Hoàng Anh- cũng vừa trải qua cú sốc tâm lý nặng nề. Cậu học không tệ, nhưng bố mẹ lại luôn so sánh cậu với anh họ — người được xem là "con nhà người ta" với bảng thành tích đáng nể.

Mỗi lần bị so sánh, Hoàng Anh lại thu mình vào một góc, thấy mình vô dụng, thừa thãi trong chính gia đình của mình. Đỉnh điểm, sau một lần bị mắng trước mặt khách khứa vì "học hành không bằng anh họ", Hoàng Anh viết một bức thư tuyệt mệnh, rồi cắt tay. May mắn, em được phát hiện kịp thời.

Hay như câu chuyện của Thùy Dung, một nữ sinh lớp 9 tại Hà Nội. Chỉ vì một lần bị phát hiện nói dối chuyện điểm kiểm tra, bố mẹ Dung đã cấm đoán em tiếp xúc với bạn bè, khóa điện thoại, không cho ra khỏi nhà suốt cả tháng. Họ nghĩ rằng như vậy là để "cho nó sợ mà ngoan", mà không biết rằng Dung đã trầm cảm nặng, từng lên kế hoạch nhảy từ ban công tầng 5 nơi em sống.

Cha mẹ không nên chủ quan

Trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới. Tại Việt Nam tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng nhưng đa số người lớn, cha mẹ, thầy cô giáo chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp kịp thời.

Số liệu do Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố năm 2022

TS Nguyễn Thị Thắm - Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Phó Viện trưởng - Viện tâm lý giáo dục BrainCare cho biết, hiện tượng trẻ suy nghĩ tiêu cực đang ngày càng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Giai đoạn dậy thì là thời điểm trẻ trải qua những thay đổi mạnh mẽ cả về sinh lý và tâm lý xã hội. Đây cũng là thời điểm các em dễ tổn thương và nhạy cảm với các tác động từ môi trường xung quanh, đặc biệt là từ gia đình – nơi được coi là điểm tựa đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình hình thành nhân cách.

"Khi sống trong môi trường gia đình đầy áp lực – có thể từ kỳ vọng học tập quá cao, sự so sánh với người khác, hay những mâu thuẫn cha mẹ không được giải tỏa – các em rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, cảm giác bất lực, cô lập và mất phương hướng. Nếu không được lắng nghe, hỗ trợ đúng lúc, những suy nghĩ tiêu cực có thể tích tụ và dẫn đến các hành vi nguy hiểm như tự làm đau bản thân mình, suy nghĩ tiêu cực, suy nghĩ nhiều đến tự tử hoặc đã có hành vi tự tử.

Đồng hành cùng con bằng bí quyết "nghe sao cho trẻ nói, nói sao cho trẻ nghe" - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thắm

Đặc biệt, dưới góc độ tâm lý học phát triển, trẻ ở độ tuổi vị thành niên đang trong quá trình khẳng định chính mình. Khi bị phủ nhận cảm xúc, suy nghĩ, không được công nhận, hoặc luôn bị kiểm soát, trẻ dễ mất niềm tin vào chính mình và vào những người thân.

Điều đáng lo là nhiều cha mẹ, dù với mong muốn tốt cho con, nhưng thiếu sự lắng nghe và đồng cảm cùng con trong giai đoạn quan trọng này. Đây là thực trạng đáng báo động, hồi chuông cảnh tỉnh về vai trò của gia đình trong việc xây dựng môi trường tâm lý lành mạnh cho trẻ Vị thành niên", TS Nguyễn Thị Thắm nhấn mạnh.

Có 20 năm làm việc với cha mẹ trẻ vị thành niên, TS Nguyễn Thị Thắm cho biết, nhiều cha mẹ thường vô tình mắc những sai lầm khi ứng xử với con ở tuổi dậy thì, vô tình đẩy con vào trạng thái lo lắng, sợ hãi hoặc cô lập bản thân.

Đó là cha mẹ hay so sánh con với người khác. Câu nói quen thuộc như "Con nhà người ta…" hay so sánh điểm số, ngoại hình, kỹ năng với bạn bè, anh chị em là một sai lầm thường gặp. Những lời này làm xói mòn lòng tự trọng của trẻ và tạo nên cảm giác không đủ tốt, thậm chí dẫn đến tự ti kéo dài.

Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ chỉ tập trung vào kết quả, bỏ qua yếu tố cảm xúc của con. Như, nhiều cha mẹ chỉ quan tâm đến thành tích học tập, mà quên rằng trẻ cũng có những biến động cảm xúc phức tạp trong giai đoạn này. Khi con buồn, tức giận, lo lắng mà bị cho là "vớ vẩn" hay "yếu đuối", trẻ sẽ ngừng chia sẻ và tự cô lập chính mình. Sự kết nối giữa cha mẹ và con cái cũng từ đó mà đứt gãy dần.

Đặc biệt, nhiều cha mẹ áp đặt thay vì đồng hành/thấu cảm. Nhiều cha mẹ có xu hướng áp đặt suy nghĩ, lựa chọn, định hướng nghề nghiệp hoặc lối sống của mình cho con, mà không quan tâm con thực sự suy nghĩ gì hoặc cảm thấy như thế nào. Nhiều bạn học sinh khi đến gặp các chuyên gia tâm lý có chia sẻ là chưa kịp nói gì thì bố mẹ đã bảo "Biết rồi, lạ gì suy nghĩ của con". Hay "Tao đẻ ra mày làm sao không hiểu mày nghĩ gì". Điều này khiến trẻ cảm thấy mất quyền bản thân và dễ rơi vào trạng thái bất mãn, nổi loạn hoặc trầm lặng, thu mình.

Ngoài ra, không ít cha mẹ thiếu nhất quán, quá nghiêm khắc hoặc quá nuông chiều con. Một số cha mẹ có cách dạy con thiếu thống nhất giữa lời nói và hành động, hoặc có xu hướng trừng phạt nặng nề mỗi khi con mắc lỗi nhỏ. Điều này khiến trẻ lo âu, sợ sai, hoặc hình thành tư duy né tránh thay vì học cách đối diện và vượt qua vấn đề.

Một học sinh chia sẻ: "Ông nội rất nghiêm khắc, sử dụng nhiều bạo lực thể chất với bố con. Hiện tại bố rất thành công". Có lẽ vì thế bố cũng áp dụng cách này với con. Con ghét bố và không bao giờ tha thứ cho những hành động bố làm với con". Hiện tại học sinh này bị rối loạn cảm xúc hành vi, luôn chống đối và bố mẹ không thể kết nối được với con".

TS Nguyễn Thị Thắm, khi con mắc lỗi (điểm kém, đi chơi về muộn hay nói dối), phản ứng của cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp con hiểu và sửa sai, thay vì để con cảm thấy xấu hổ, tổn thương hoặc xa cách. Điều quan trọng không phải là trừng phạt, mà là giáo dục dựa trên sự kết nối và thấu hiểu.

Một số gợi ý giúp cha mẹ có thể đồng hành cùng con:

Lắng nghe tích cực và không phán xét:

Trước khi phán xét hoặc đưa ra những đánh giá, nhận xét, quy chụp vào các lỗi lầm của con, hãy hỏi con chuyện gì đã xảy ra, và thực sự lắng nghe. Việc được nói ra lý do – dù là ngụy biện hay thật lòng – giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng. Khi con cảm thấy an toàn, con mới dễ mở lòng và nhìn nhận lỗi sai của mình.

Cùng con đặt ra giải pháp, thay vì áp đặt hình phạt:

Thay vì ra hình phạt ngay lập tức, cha mẹ nên trao đổi để con tự đề xuất cách khắc phục. Ví dụ: "Vậy theo con, lần sau con cần làm gì thay vì đánh bạn như thế?". Sự tham gia vào giải pháp giúp trẻ cảm thấy có trách nhiệm hơn với hành vi của mình. Và hơn tất cả, không phải để con cảm giác tội lỗi, cảm thấy mình sai trái mà là để con dám đối mặt và chịu trách nhiệm với những gì con làm. Đặc biệt cho con cơ hội để con hiểu rằng, "Nếu được làm khác đi thì con sẽ làm như nào". Mục đích là định hướng cách làm đúng cho con.

Duy trì tình yêu thương vô điều kiện:

Sau khi kỷ luật, đừng quên nhắc lại rằng: "Bố mẹ buồn vì hành động đó, nhưng bố mẹ luôn yêu con và muốn con tốt hơn." Sự kiên định nhưng đầy yêu thương sẽ giúp trẻ hiểu rằng mắc lỗi không có nghĩa là mất đi giá trị hay đánh mất những gì con đã có, từ đó tự tin sửa sai và trưởng thành hơn.

"Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy". Bằng tình yêu thương, thấu cảm và lắng nghe tích cực "Nghe sao cho trẻ nói và Nói sao cho trẻ nghe" thì các con sẽ mở lòng chia sẻ và nhìn nhận đúng vào những suy nghĩ, hành vi sai của mình.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm