Dạy con lòng biết ơn: Cách giúp con tích trữ “tài sản” quý giá

Hương Lan
11/08/2022 - 19:14
Dạy con lòng biết ơn: Cách giúp con tích trữ “tài sản” quý giá
Tài sản quý nhất cha mẹ dành cho con không phải vật chất mà là một mô thức hành động đúng, bởi nó sẽ theo con suốt cả cuộc đời. Và lòng biết ơn chính là điều đúng đắn mà bố mẹ có thể truyền cho con...

Trong tất cả các loại cảm xúc thì lòng biết ơn có ảnh hưởng tích cực nhất đến hạnh phúc của một đứa trẻ. Thái độ biết ơn giúp đứa trẻ ngay từ nhỏ đã biết hòa nhập với xã hội, biết cách ứng xử tốt đẹp với những người bạn, người hàng xóm đã giúp đỡ mình từ những việc nhỏ nhất.

Các con được xây dựng lòng biết ơn từ nhỏ sẽ biết giúp đỡ, đón nhận, chấp nhận với thực tại, biết điều hướng những điều tốt đẹp và thành công hơn.

Để giáo dục con trẻ về lòng biết ơn một cách đúng đắn, Thạc sĩ Vera Thiên Ân – Chuyên gia tư vấn tâm lý hôn nhân, hạnh phúc gia đình đưa ra lời khuyên giúp cha mẹ:

Dạy con lòng biết ơn: Cách giúp con tích trữ “tài sản” quý giá - Ảnh 1.

Chuyên gia Vera Thiên Ân

Định hướng cho con

Định hướng bằng cách đặt câu hỏi để hướng dẫn con có thể bắt đầu lòng biết ơn từ những thứ nhỏ nhất. Câu chuyện vô tình con vấp ngã vào bàn, cha mẹ ngay lập tức đánh vào cái bàn rồi mắng cái bàn làm con bị ngã, việc làm đó hình thành cho đứa trẻ xu hướng đổ lỗi, thói quen nhõng nhẽo, chiều chuộng.

Thay vào đó, phụ huynh nên định hướng con lại, khi ngã con thường mong muốn có cha mẹ đỡ dậy và quan tâm để ý. Cha mẹ có thể trò chuyện để con cảm nhận được sự quan tâm và điều hướng con bằng những câu hỏi. Chẳng hạn, khi con va vào bàn, có thể hỏi "Con đã xin lỗi bàn chưa?" vì không chỉ con đau mà bàn cũng đau; hay "Con đã cảm ơn chưa?" vì nhờ có bàn làm con ngã ở chỗ này mà con sẽ không bị ngã ở chỗ khác còn đau hơn nữa. Từ đó, xây dựng cho con lòng biết ơn từ những vật dụng rất nhỏ trong cuộc sống gia đình của mình. 

Để làm được điều này cha mẹ phải rất kiên trì. Bởi dạy con là cả một hành trình, không phải ngày một ngày hai và cũng không phải đứa trẻ nào cũng nghe lời cha mẹ từ đầu.

Làm gương cho trẻ

Một trong những đặc tính của trẻ nhỏ là rất thích bắt chước làm theo những hành động quan sát được ở người lớn, cụ thể là cha mẹ. Vì vậy, để tạo được thói quen tốt nào đó, cụ thể là các hành động biết ơn cho trẻ nhỏ thì cha mẹ cần chính là người làm gương trước mắt trẻ, luôn thể hiện và hành động sự biết ơn của mình với cuộc sống, con người từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Hãy nói lời cảm ơn với con: "Cảm ơn con đã đến bên mẹ", "Cảm ơn con đã luôn ngoan ngoãn và nghe lời"… Khi nghe được những lời yêu thương như vậy những đứa trẻ cũng sẽ nói lời biết ơn lại với cha mẹ.

Dành nhiều thời gian cho trẻ

Cuộc sống hiện đại, cha mẹ sống vội hơn. Mỗi người một việc, cha mẹ ít có thời gian giao tiếp với con cái. Phải chăng cha mẹ đã bỏ mất nhiều thời gian để gần con nhiều hơn?

Nhiều đứa trẻ đã có xu hướng "nổi loạn", bướng bỉnh chỉ để nhận được sự chú ý của cha mẹ. Để thấu hiểu con, cha mẹ cần thực sự dành thời gian chất lượng để lắng nghe những gì con nói, con suy nghĩ, cùng con tìm hiểu, sẻ chia, và đồng cảm... Hãy loại bỏ các mối bận tâm trong công việc, cuộc sống hằng ngày để thực sự ở bên các con.

Cha mẹ cần hiểu rõ tầm quan trọng về lòng biết ơn

Để giáo dục con tốt nhất về lòng biết ơn thì chính cha mẹ cũng phải hiểu rõ về tầm quan trọng của lòng biết ơn. Lẽ thường, cha mẹ sống ở môi trường như thế nào thường áp đặt con mình sống như thế đấy. 

Bố mẹ hay có tâm lý so sánh con mình với người khác, tham vọng mong muốn con mình học giỏi, sân hận, nhiều lúc tức giận với con của mình. Với suy nghĩ "Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", nhiều người hay đánh con, dẫn đến những tổn thương tâm lý cho trẻ.

Trẻ nhỏ giống như một tờ giấy trắng, bất kỳ một tác động cảm xúc nào cũng rất dễ để trẻ ghi nhớ và làm theo trong cuộc sống hàng ngày. Bị "ghim" vào đầu những cảm xúc tiêu cực từ nhỏ, dần dần đứa trẻ dễ tham, sân, si...

Vì vậy cha mẹ nên có những kiến thức, kỹ năng để chính bản thân hiểu biết, sau đó làm gương cho con cái.

Cha mẹ là người vô cùng quan trọng với con trẻ. Dù ngoài kia có khắc nghiệt như thế nào thì vòng tay của cha mẹ vẫn luôn mở rộng đón những đứa con quay trở về bằng tình yêu thương ấm áp nhất. Gia đình là ngôi trường lớn nhất của con. Bên cạnh những kiến thức được xã hội, trường học giáo dục thì cha mẹ là người truyền đạt cho con nhiều điều nhất. Cha mẹ hãy lựa chọn những phương pháp dạy tốt nhất để con trẻ sống với lòng biết ơn - chìa khóa giúp trẻ thành công và hạnh phúc hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm