pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dạy con quan trọng nhất là phù hợp lứa tuổi và tính cách từng trẻ
Chị Thủy và 2 con
Nhịp sống hiện đại gấp gáp, sự bùng nổ của các thiết bị thông minh… là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến cách nuôi dạy con của hàng triệu cha mẹ. Họ bối rối nhiều hơn, hoang mang nhiều hơn, lo lắng nhiều hơn và thất bại nhiều hơn, cho dù tưởng như họ đã có trong tay vô vàn bí kíp cũng như các phương pháp giáo dục hiện đại.
Chị Hoàng Bích Thuỷ hiện sinh sống ở Hà Nội, là phụ huynh của hai bé gái, một bạn lớp 5 (Dương Bảo Hân) và một bạn lớp 1 (Dương Khánh Ngọc). Chị cho rằng bản thân không áp dụng một cách chăm sóc dạy dỗ con theo kiểu Nhật, Do Thái hay Mỹ gì cả. Thay vào đó, chị chia sẻ:
"Nuôi dạy con cái, là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Mỗi bố mẹ sẽ có cách nuôi dạy riêng, phù hợp với môi trường sống, hoàn cảnh gia đình. Và đặc biệt, là phù hợp với các con của mình! Cá nhân mình đã áp dụng khá nhiều kiểu cách, phương pháp khác nhau. Nhưng đúc kết lại, mình chọn phương pháp Chiết trung - nghĩa là chọn những gì hay nhất, phù hợp nhất từ các phương pháp trên. Nhưng lưu ý là cần áp dụng linh hoạt theo môi trường, hoàn cảnh sống của từng gia đình và sáng tạo, theo khả năng của bố mẹ.
Việc định hướng dạy dỗ con cái, phụ thuộc rất nhiều vào mục đích của bố mẹ. Vợ chồng mình đề cao khả năng Tự học - Tự lập - Hòa đồng cho con. Học kiến thức, song hành với kỹ năng sống cơ bản, và có thái độ phù hợp. Khi con có nền tảng rồi, mình để con tự phát triển".
Có hai NGUYÊN TẮC được bà mẹ này quán triệt trong quá trình đồng hành cùng con:
1. Ưu tiên việc Học, nhưng phải là Học Hiểu
Bởi vì không học, đồng nghĩa với việc không phát triển. Quan trọng, con học cái gì và cách con học như thế nào. Để con có kỹ năng tự học, chị Thủy chỉ hướng dẫn cách học trong 1 tuần. Sau đó chị không kèm, các con phải tự học. Việc học là việc riêng của bản thân mỗi người. Khi có khả năng tự học, thì học ở đâu, học môn gì cũng đều có thể học được.
Những môn con học tốt, chắc chắn là con hiểu. Những môn con học chưa tốt, là bởi vì chưa hiểu. Vợ chồng chị sẽ hỗ trợ hoặc cùng con tìm hiểu học hỏi thêm qua sách, mạng.
Nhà chị Thủy phân chia Toán Lý Hoá - là bố. Mẹ - các môn còn lại. Nên khi nào gặp vấn đề gì, các con cũng biết cách tìm đúng người. Vừa hiệu quả, lại không mất thời gian. Nhưng trước khi tìm sự trợ giúp từ người khác, bản thân con phải tự ngẫm nghĩ, tìm hiểu trước. Khi nào nghĩ mãi không hiểu, thì mới hỏi thầy cô, bạn bè, bố mẹ. Ngoài học chính ở trường, thì nhà chị Thủy không đưa con đi học thêm.
2. Dạy con các kỹ năng tự lập
Chẳng hạn như: Nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, cách nói năng thái độ với mọi người, biết xử lý mọi sự việc diễn ra xung quanh mình... và biết yêu thương chính bản thân con. Việc học, sẽ hỗ trợ con rất nhiều trong khi thực hành các kỹ năng sống.
Con rất thích nấu ăn và hay vào các nhóm để học hỏi cách làm cũng như tips hay từ các bác, các cô chú... Ngay từ lớp 1, các con đã học ăn rau có chất xơ, mỡ là chất béo, cơm cung cấp tinh bột, và phải ăn đủ chất. Vì thế, các bạn nhà chị Thủy không kén ăn. Món nào cũng có thể ăn được hết. Và rất thích thử các món mới. Khi nấu nướng cũng biết làm thế nào để không bị bỏng, nếu bị bỏng thì dùng ngay lòng trắng trứng để bôi lên…
Khi bố mẹ không có nhà, 2 chị em chăm sóc nhau. Chị gội đầu cho em, chuẩn bị cơm nước. Có lần, em Ngọc bị sốt, sau khi gọi báo mẹ xong, chị Hân biết lấy thuốc hạ sốt cho em uống, theo dõi nhiệt độ thường xuyên, cho uống cả oresol. Và khi em hạ sốt thì gọi bảo mẹ: "Mẹ yên tâm đi đi, em hạ sốt rồi ạ!".
Lần khác, em trượt chân ngã chảy máu đầu. Chị Hân gọi cho mẹ bình tĩnh và nói rõ: "Mẹ về ngay đi! Em ngã chảy máu nhiều lắm, con không xử lý được!". Sau đó, cầm máu cho em và chạy xuống nhà mở cửa, tìm hàng xóm giúp đỡ. Khi vợ chồng chị Thủy về đến nhà, em Ngọc cũng được băng bó xong. Hai chị em đang ngồi ngoan với bác ruột. Bố mẹ về thì đưa con đi khâu 2 mũi. Con cũng không mè nheo hay kêu ca gì cả.
Ở trường, các con cũng được học và tập dượt các tình huống như cháy nổ. Bước 1 phải làm gì, bước 2 làm gì... nhưng chị Thủy dạy con bước 0 - bình tĩnh! Hít 1 hơi sâu, trấn tĩnh rồi làm gì thì làm. Nếu không bình tĩnh thì các bước sau trở nên vô nghĩa!
Vì thế mỗi năm, hoặc khi nhà thay đổi gì, chị Thủy đều... dẫn tour. Dẫn chồng con đi 1 vòng quanh nhà, nói rõ cái gì để đâu, làm như thế nào, khi nào thì làm, khi nào thì không. Thứ 1, là ai cũng biết chỗ lấy đồ và cất đồ đúng nơi qui định, để nhà luôn gọn gàng ngăn nắp và không mất thời gian khi cần. Thứ 2, là đề phòng có trường hợp khẩn cấp, có thể xử lý được.
Hai bạn nhà chị đều biết cầu giao ở đâu, ngắt điện khi nào.. cái gì không được nghịch đến. Khi hiểu rõ mọi việc, khả năng xử lý sẽ nhanh hơn, kịp thời hơn. Nhất là trong trường hợp khẩn cấp, rất khó bình tĩnh xử lý đúng vấn đề. Nên hình thành thói quen hàng ngày cho các con, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn.
Chị Thủy cho rằng, mọi phương pháp mọi cách làm, quan trọng nhất là phù hợp với lứa tuổi và tính cách của từng con. Có thể phù hợp với đứa con đầu, nhưng không phù hợp với những đứa sau là chuyện hết sức bình thường nên bố mẹ không cần lo lắng quá! Vừa dạy, vừa chú ý tới phản ứng của các con và điều chỉnh cho phù hợp. Quan trọng là bố mẹ thống nhất cách dạy con, 2 người cùng hỗ trợ.
"Hiện tại, các con khoẻ mạnh sống vui vẻ và có thói quen tự học - thói quen mà mình mong muốn nhất. Ngoài ra, các con biết trách nhiệm của mình trong gia đình là gì. Đến trường biết trách nhiệm của mình với trường lớp như thế nào… Để được tự lập như bây giờ thì các con cũng phải trải qua rèn luyện và... nhiều lúc cũng buồn. Nhưng nhìn chung là ngoan và biết nghe lời người lớn.
Chăm sóc dạy dỗ con là cả 1 chặng đường dài, có khi rất ức chế, rất nản, rất rắc rối... Mỗi độ tuổi lại mỗi tâm sinh lý riêng, mỗi vấn đề riêng... nhưng chỉ cần bạn không dừng lại. Kiên trì, kiên nhẫn với các con. Nâng cao kiến thức, rèn luyện cảm xúc và thái độ của mình đối với con... thì cả con và bố mẹ sẽ đều trưởng thành và trở nên tốt hơn", chị Thủy chia sẻ.