pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dạy con sống hồn nhiên, trong trẻo, không ghen tị với người khác
Cô giáo Tú Uyên trong một giờ dạy trẻ mầm non (Ảnh: Lê Thanh)
Nguyên nhân nảy sinh thói ghen tị ở trẻ thường diễn ra ở những hoàn cảnh sau:
1. Trẻ được nuông chiều quá mức
Là cha mẹ, việc bạn chiều chuộng, yêu thương trẻ là điều bình thường, giúp gắn kết tình cảm gia đình. Tuy nhiên, nếu được nuông chiều quá mức, con sẽ có cảm giác bản thân vượt trội hơn người khác. Do đó, bất cứ khi nào trẻ thấy ai đó tốt hơn mình hoặc sở hữu đồ vật gì đó tốt hơn, trẻ sẽ thấy nảy sinh tâm lý ghen tỵ và trạng thái bất an.
2. Đem so sánh trẻ với những trẻ khác
Việc cha mẹ so sánh con cái với những đứa trẻ khác là điều rất tự nhiên. Điều này sẽ không gây ra nhiều vấn đề nếu bạn không nói miên man từ ngày này sang ngày khác. Cứ liên tục so sánh, bạn sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý ganh đua, tự ti và hay ghen tỵ với mọi người.
3. Quan tâm và bảo vệ trẻ quá nhiều
Bất cứ cha mẹ nào cũng đều yêu thương, bảo vệ và quan tâm con của mình. Đôi khi, việc quan tâm, bảo vệ quá mức sẽ làm cho trẻ nảy sinh tâm lý ỷ lại, phụ thuộc vào ba mẹ. Từ đó, trẻ sẽ nảy sinh cảm giác ghen tỵ với những đứa trẻ tự tin hơn mình.
4. Cạnh tranh không lành mạnh
Theo các chuyên gia, sự cạnh tranh lành mạnh có thể rất tốt đối với quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, việc ép buộc trẻ phải giành chiến thắng trong mọi tình huống sẽ có những tác động tiêu cực đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Trẻ dễ sinh ra tính hiếu thắng, ghen tị với các bạn và sẽ không từ mọi thủ đoạn để đạt được mục tiêu.
5. Kiểm soát con quá mức
Việc bạn luôn kiểm soát hoặc yêu cầu trẻ phải tuân theo các quy tắc mà không được giải thích lý do một cách rõ ràng, khiến trẻ nảy sinh tâm lý oán hận và thói ghen tỵ. Trẻ sẽ cảm thấy mình luôn thua thiệt với bạn bè, vì mình phải sống trong môi trường thiếu tự do, bất công.
5 dấu hiệu cho thấy bé có tính ghen tị:
1. Trẻ muốn sở hữu mọi thứ
Ghen tị sẽ khiến trẻ luôn muốn sở hữu mọi thứ, từ đồ vật cho đến con người như ba mẹ, anh chị em và bạn bè. Trẻ không muốn chia sẻ bất cứ điều gì với bất cứ ai. Tình trạng này nếu không được can thiệp sẽ dễ dẫn đến chứng trầm cảm.
2. Trẻ luôn so sánh
Sự ghen tị còn khiến trẻ luôn so sánh kỹ năng, thành tích, đồ đạc và những thứ khác của mình với những đứa trẻ khác. Nếu trẻ thiếu hoặc không có thứ gì đó, trẻ dễ bất mãn và nổi giận.
3. Trẻ luôn khiến bạn tức giận
Đứa trẻ ghen tị luôn cố gắng hết sức để thu hút sự chú ý của bạn. Cách tốt nhất để thu hút sự chú ý là nổi loạn và khiến bạn cảm thấy bực mình. Trẻ có thể làm tất cả mọi thứ để khiến bạn tức giận.
4. Trẻ có hành vi hung hăng
Một đứa trẻ đang có cảm giác ghen tị với bạn bè hoặc anh chị em sẽ hay có hành vi hung hăng, bạo lực hoặc cư xử không phải phép. Trẻ bắt nạt, đánh nhau, thậm chí còn cố làm hại anh chị em hoặc bạn bè của mình.
5. Trẻ cảm thấy không an toàn
Trẻ có thể có cảm giác không an toàn. Tình trạng này trở nên rõ rệt hơn khi bạn sinh thêm em bé. Trẻ có thể thấy lúng túng và luôn tìm mọi cách để thu hút sự chú ý của bạn.
Theo cô giáo Tú Uyên, ghen tỵ sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực đối với sự phát triển và hình thành nhân cách. Ghen tỵ là một cảm xúc tiêu cực và có thể tác động không tốt đến tính cách của trẻ như: Trẻ có thể trở nên hung dữ; Trẻ có thể trở thành người hay bắt nạt; Trẻ cảm thấy cô đơn và sống xa cách với mọi người; Trẻ thiếu tự tin…
7 bí kíp để trẻ không ghen tỵ với anh chị em hoặc bạn bè?
1. Cha mẹ hãy lắng nghe con trẻ
Ghen tỵ không phải là cảm xúc nhất thời mà là cả một quá trình dồn nén. Do đó, bạn nên dành thời gian nói chuyện với trẻ nhiều hơn để lắng nghe những mối quan tâm, những nỗi sợ hãi, lo lắng của trẻ. Điều này sẽ giúp bạn hiểu được nguyên nhân khiến trẻ cảm thấy ghen tỵ và có cách xử lý kịp thời.
2. Tìm cách biến những điều tiêu cực thành tích cực
Tâm lý ghen tỵ có thể khiến trẻ nảy sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực. Bạn hãy tìm cách biến những điều này thành động lực để trẻ cố gắng phấn đấu. Chẳng hạn, nếu anh, chị hoặc bạn bè của trẻ có thành tích học tập tốt hơn, hãy khuyến khích trẻ học tập chăm chỉ và đạt điểm cao, thay vì ghen tỵ với thành tích của người khác.
3. Hãy thể hiện sự yêu thương đối với trẻ
Trẻ nhỏ có thể có những hành vi hoặc thái độ không tốt, bạn đừng la mắng hay trừng phạt trẻ quá nghiêm khắc. Thay vào đó, lắng nghe, chia sẻ và thể hiện tình yêu thương của bạn. Hãy nhớ rằng trẻ đang phải đối mặt với những cảm xúc vô cùng khó chịu và rất cần sự quan tâm của cha mẹ.
4. Giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của việc chia sẻ
Điều này rất quan trọng đối với mỗi đứa trẻ. Việc một đứa trẻ học được cách chia sẻ đồ đạc của mình với những đứa trẻ khác sẽ giúp trẻ ít thấy ghen tỵ với mọi người và dễ kết bạn hơn.
5. Không so sánh trẻ với những đứa trẻ khác
Việc so sánh trẻ với những đứa trẻ khác vô tình tạo ra cảm xúc tiêu cực cho trẻ nhỏ. Do đó, đừng so sánh con với bất cứ đứa trẻ nào. Mỗi đứa trẻ là duy nhất và có tài năng khác nhau. Hãy quan sát xem trẻ có năng khiếu với lĩnh vực gì và tìm cách giúp trẻ phát triển, sẽ tốt hơn là đem trẻ đi so sánh với những người khác.
6. Đừng khen ngợi trẻ quá nhiều
Việc dành tặng cho trẻ những lời khen khi trẻ làm được việc tốt hoặc có thành tích cao là điều khá bình thường để trẻ có động lực cố gắng. Nhưng đừng quá lạm dụng điều này, bởi việc khen ngợi trẻ quá nhiều đôi khi lại nảy sinh những tác động tiêu cực.
7. Không so sánh kết quả học tập
Cha mẹ không nên so sánh thành tích học tập của trẻ với anh chị em hoặc bạn bè của trẻ. Làm như vậy rất dễ tạo cảm giác thù địch. Nếu trẻ có thành tích học tập không tốt, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân và có hướng khắc phục hợp lý. Bạn hãy khuyến khích con học tập chăm chỉ để cải thiện điểm số, thay vì so sánh với người khác.