pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Chương trình ngày hội việc làm giới thiệu học nghề cho cả học sinh và phụ huynh được tổ chức trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Tăng lợi thế cạnh tranh
Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã và đang trở thành lợi thế cạnh tranh của Sơn La trong việc thu hút đầu tư, tăng cường xuất khẩu lao động và phát triển kinh tế. Lao động địa phương ngày càng tiếp cận sâu rộng với khoa học công nghệ, hình thành tác phong làm việc công nghiệp, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và nâng cao năng suất lao động chung của tỉnh.
Để thể chế hóa và cụ thể hóa các chính sách phát triển GDNN, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21/01/2021 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tiếp đó, UBND tỉnh Sơn La đã cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ thông qua Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 29/3/2021, định hướng rõ ràng cho các cấp, các ngành và địa phương trong việc triển khai hiệu quả Nghị quyết.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU ngày 30/12/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, đảm bảo sự phát triển toàn diện của nguồn nhân lực.
Tỉnh cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực; đồng thời xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường làm việc để nhân tài phát huy năng lực và yên tâm công tác lâu dài.
Trong số các chính sách cụ thể, Nghị quyết số 122/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích bác sĩ, dược sĩ về công tác tại tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025, cùng với chính sách khuyến khích học tập, hỗ trợ ban đầu cho học sinh, sinh viên, đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các chính sách này cũng chú trọng tạo môi trường làm việc khuyến khích sự năng động, sáng tạo, tạo điều kiện cho người tài có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.
Đặc biệt, việc huy động, thu hút các nguồn lực, doanh nghiệp đầu tư phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm, cùng với chính sách ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi tại các trường đại học, đã góp phần thu hút và giữ chân nhân tài.

Lao động địa phương được áp dụng nhiều chính sách đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động.
Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên
Từ năm 2021 đến tháng 5/2025, tỉnh Sơn La đã tuyển sinh và đào tạo được 82.933 lao động thuộc các trình độ, bao gồm: Đại học 825 người, cao đẳng 2.615, trung cấp 10.450, sơ cấp 12.849, đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng là 10.489, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ 25.900; lao động được đào tạo tại khu công nghiệp là 19.805 người.
Đến cuối tháng 6/2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đã đạt 64,5%, một con số đáng khích lệ cho thấy sự chuyển biến tích cực trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hiện nay, Sơn La có 3 trường cao đẳng là Trường Cao đẳng Sơn La, Cao đẳng Y tế Sơn La và Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Sơn La. Các trường đã phát huy hiệu quả, tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để tìm kiếm và giới thiệu việc làm hợp lý cho người học, cũng như bố trí việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý GDNN các cấp luôn được quan tâm đẩy mạnh nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác GDNN trên địa bàn tỉnh.
Các cơ sở GDNN đã chủ động triển khai đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên GDNN; nghiên cứu, rà soát năng lực, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thực hiện chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành GDNN.
Việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chính trị vào dịp hè cho đội ngũ giảng viên, giáo viên và sinh hoạt chính trị đầu khóa của học sinh, sinh viên cũng được chú trọng.
Số lượng cán bộ quản lý và giảng viên ở các trường cao đẳng cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Đội ngũ giảng viên GDNN trên địa bàn tỉnh đã tăng nhanh cả về quy mô và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động GDNN. Hàng năm, cán bộ quản lý và giảng viên được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức.
Ngoài ra, các cơ sở GDNN đã quan tâm bố trí cho đội ngũ nhà giáo GDNN tham gia các khóa đào tạo chuẩn hóa kỹ năng thực hành nghề, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề theo quy định.
Đồng thời, các cơ sở GDNN cũng thực hiện đúng chính sách đối với cán bộ quản lý như bổ nhiệm, chế độ phụ cấp chức vụ và các chế độ, phụ cấp khác.
Chế độ nhà giáo được đảm bảo theo quy định về phụ cấp ưu đãi, tiêu chuẩn giờ giảng, hỗ trợ học tập bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và phụ cấp đặc thù.
Đặc biệt, tỉnh cũng chú trọng phát triển đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề đủ năng lực tham gia GDNN, mang đến những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn cho người học.
Sau gần 4 năm thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên về GDNN đã được nâng lên rõ rệt.
Các cơ sở GDNN đã đẩy mạnh phong trào thi đua học tốt, dạy tốt; tổ chức hội thi thiết bị đào tạo tự làm, hội giảng nhà giáo GDNN, hội thi tay nghề học sinh hàng năm. Việc tham dự các hội thi, hội giảng cấp tỉnh và toàn quốc đã mang lại nhiều thành tích cao, nhiều nhà giáo được khen thưởng, qua đó từng bước tạo được niềm tin cho doanh nghiệp vào chất lượng nguồn nhân lực trong tỉnh.