Dạy thêm, học thêm lại "nóng" nghị trường

D.H
11/11/2021 - 13:06
Dạy thêm, học thêm lại "nóng" nghị trường

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 11/11. Ảnh: Quochoi.vn

Vấn đề về dạy thêm, học thêm, đặc biệt là trong bối cảnh trực tuyến do Covid-19 được nhiều ĐBQH quan tâm chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Quốc hội sáng nay, 11/1.

Quốc hội sáng 11/1 tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về các vấn đề liên quan đến học, thi, đào tạo đại học...  đối với học sinh sinh viên, nhất là trong bối cảnh Covid-19.

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, dịch Covid khiến ngành giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều kế hoạch đứt đoạn, chương trình thay đổi theo hướng lựa chọn phần cốt lõi để giảng dạy, gần 20 triệu học sinh sinh viên không thể tới trường trong thời gian dài, hay hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn.

Theo ông, ngành giáo dục đã có đánh giá các chỉ số tiêu cực ban đầu do ảnh hưởng của đại dịch, có những điều thấy ngay nhưng có nhiều vấn đề khác chưa đo đếm được, đặc biệt là lỗ hổng kiến thức, ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý, tinh thần của giáo viên và học sinh khi phải dạy và học trực tuyến quá lâu.

"Cuộc sống bình thường mới đang dần được xác lập, kinh tế dần phục hồi, nhưng ngành giáo dục vẫn nguyên thách thức, thậm chí nhiều thách thức lớn hơn đang chờ. Hậu quả để lại lâu dài và sự khắc phục không phải một sớm một chiều. Nhiều chuyện bi hài lẫn đau lòng diễn ra không thể kể xiết!" – Tư lệnh ngành giáo dục bộc bạch.

Trước khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Bộ GD&ĐT động viên toàn thể cán bộ, nhân viên toàn ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm vì học sinh thân yêu.

Vấn đề nóng được khá nhiều ĐBQH quan tâm là dạy thêm, học thêm trong bối cảnh Covid-19. Theo các đại biểu, đây là vấn đề mà nhiều kỳ chất vấn của Quốc hội đều đề cập đến, và chắc chắn sẽ còn tiếp tục bàn cãi. 

ĐB Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nhìn nhận, Bộ GD&ĐT đã nghiêm cấm dạy thêm và học thêm mùa dịch, nhưng gần đây vẫn xuất hiện dạy học thêm trực tuyến, có HS bị áp học thêm trực tuyến. "Bộ GD&ĐT cần thanh tra việc này và quan điểm của Bộ trưởng về điều  này thế nào" – ĐB đặt câu hỏi.

Dạy thêm, học thêm lại "nóng" nghị trường - Ảnh 1.

ĐB Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, có tình trạng gần đây xuất hiện việc dạy tăng thêm giờ bằng hình thức trực tuyến. "Tôi khẳng định, bình thường cần phải ngăn chặn, dịch bệnh khi mà học sinh còn căng thẳng hơn thì việc dạy thêm giờ, thêm nội dung là việc cần phải lên án" – ông quả quyết.

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư quy định dạy và học trực tuyến, trong đó quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp. Nếu các trường thấy học sinh học quá các giờ theo quy định, Bộ đề nghị các sở GD&ĐT địa phương cần kiểm tra, thanh tra việc học trực tuyến xem có bố trí quá giờ hay không. "Quan điểm của chúng tôi là thanh tra kiểm tra để tích cực ngăn chặn việc này"- ông cho hay.

Chưa thỏa mãn với câu trả lời này, ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) bấm nút tranh luận. "Chúng ta chưa giải quyết được căn nguyên việc dạy thêm học thêm, ở chỗ là từ trước tới nay ta coi vấn đề này như là vấn nạn của xã hội và xử lý theo cách cấm. Có địa phương tổ chức mật phục để bắt quả tang giáo viên, cách ứng xử như thế này với nhà giáo theo tôi không phù hợp" – ĐB Long nhìn nhận.

Theo ông, không nên áp đặt tư duy cũ cho vấn đề dạy thêm, học thêm, rằng cái gì không quản được thì cấm. Thay vào đó, cần đánh giá tác dụng, ý nghĩa trong đời sống giáo dục, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của phụ huynh học sinh. "Con em chúng tôi trưởng thành đỗ đạt là nhờ học thêm, có tác dụng chứ không phải không!" – ông cho hay.

Lý do khiến dạy thêm học thêm tràn lan, theo ĐB Long là do thu nhập của giáo viên quá thấp. Nhiều người xem đây là nhu cầu để mưu sinh, vì thế nên nhìn trực diện vào vấn đề để có giải pháp căn cơ. Ông nhấn mạnh, qua hai năm đại dịch, đối tượng giáo viên cũng là đối tượng cần cứu trợ.

Giải đáp tranh luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng tình khi cho rằng, dạy thêm trực tuyến ngoài giờ để đáp ứng nhu cầu giáo dục  là việc không thể cấm được.

Theo ông, nếu coi việc này là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì mới có thể điều tiết được. "Năm 2016 đã đưa việc này ra khỏi danh mục là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên khó điều chỉnh. Bộ GD&ĐT đang đề nghị bổ sung vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Còn tình trạng giáo viên dạy theo kiểu bớt nội dung rồi dạy cho các nhóm riêng thì thuộc về đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo. Đây là điều cấm và là điều chúng ta cần lên án" – ông khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm