Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung điều kiện đăng ký tạm trú với trẻ em

PV
21/10/2020 - 11:22
Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung điều kiện đăng ký tạm trú với trẻ em

Người dân làm thủ tục hành chính liên quan tới sổ hộ khẩu. Ảnh minh họa

Thảo luận về của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sáng nay (21/10), nhiều đại biểu quan tâm tới vấn đề điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú. Trong đó có đại biểu đặt ra đề xuất bổ sung điều kiện đăng ký tạm trú với người chưa đủ 18 tuổi, bởi thời gian qua phát sinh trường hợp sử dụng lao động trẻ em và người chưa thành niên bất hợp pháp mà không có đăng ký tạm trú.

Điều kiện đăng ký thường trú tối thiểu 8m2 sàn/người với chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, sáng nay (21/10), Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Về điều kiện đăng ký thường trú tại Điều 20, nhiều đại biểu nhất trí với nội dung dự thảo Luật là cần quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú.

Nhiều đại biểu tán thành quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.

Bày tỏ đồng tình, Đại biểu Triệu Thanh Dung, Đoàn ĐBQH Cao Bằng, cho rằng: luật cần có quy định để đảm bảo việc đáp ứng cơ sở hạ tầng các dịch vụ thiết yếu cho người dân sinh sống trên một địa bàn nhất định vì mỗi tỉnh thành có mức gia tăng dân số cơ học khác nhau. Điều kiện cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu dân cư không giống nhau. Do đó nên để HĐND tỉnh quy định diện tích nhà ở tối thiểu phù hợp với địa phương mình. Luật chỉ nên quy định hạn mức tối thiểu áp dụng chung cho cả nước là 8 mét vuông sàn trên người trở lên.

Mặt khác, cũng có đại biểu đề nghị không nên quy định điều kiện này vì không bảo đảm bình đẳng về quyền có điều kiện sống thiết yếu giữa người thuê, mượn, ở nhờ nhà với người đăng ký thường trú theo diện sở hữu nhà ở hoặc chuyển về ở cùng người thân vì các đối tượng này lại không bị giới hạn bởi điều kiện về diện tích nhà ở.

Thay vào đó, lựa chọn tiêu chí là có thời gian tạm trú từ 01 năm trở lên tại địa bàn là điều kiện xem xét đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ để phù hợp với định nghĩa về nơi thường trú, thể hiện ý định gắn bó, sinh sống lâu dài, ổn định của công dân đối với nơi đăng ký thường trú.

ĐBQH đề xuất bổ sung điều kiện đăng ký tạm trú với trẻ em - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Mão, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đề xuất bổ sung điều kiện đăng ký tạm trú với người chưa đủ 18 tuổi

Về điều kiện đăng ký tạm trú (Điều 27), nhiều ý kiến còn băn khoăn về quy định công dân chỉ được đăng ký tạm trú khi được người có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý. Qua thảo luận, đa số ý kiến đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý vì quy định này cản trở quyền đăng ký cư trú của công dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của các cơ quan nhà nước.

Đại biểu Trần Văn Mão, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, đề nghị bổ sung điều kiện đăng ký tạm trú đối với trường hợp người đăng ký tạm trú chưa đủ 18 tuổi, yêu cầu phải có ý kiến của người giám hộ hoặc có văn bản chứng minh mối quan hệ gia đình giữa chủ hộ và người đăng ký tạm trú. Theo đại biểu, quan tâm bảo vệ giáo dục trẻ em và người chưa thành niên là trách nhiệm rất lớn của mỗi gia đình của người giám hộ của các bộ, ngành, cơ quan chức năng và của toàn xã hội khi họ chưa trở thành công dân toàn cầu.

Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng: Thời gian qua tình trạng nhiều chủ nhà hàng, khách sạn, quán karaoke và nhiều gia đình đã sử dụng lao động trẻ em và người chưa thành niên bất hợp pháp. Các em làm giúp việc mà không khai báo tạm trú không có hợp đồng lao động, không có giấy tờ ủy quyền của gia đình hoặc người giám hộ để bảo vệ giáo dục chăm sóc trẻ em đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi.

Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn ĐBQH Bến Tre, cho rằng: Người dân di cư qua các vùng do nhu cầu làm ăn sinh sống, di cư theo mùa để chữa bệnh. Với nhiều trường hợp người dân thì thường trú hay tạm trú là không có ý nghĩa. Nếu theo đúng quyền của công dân và luật này phải tập trung vào thực hiện quyền hiến định là "quyền cư trú của công dân" chứ không nên "nặng về vấn đề quản lý nơi cư trú". 

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, quản lý nơi cư trú là sử dụng để đảm bảo trong nguyên tắc thời chiến; còn ngày nay, là để đảm bảo cho quyền của con người và quyền công dân. "Cho nên tôi cho rằng vấn đề thường trú tạm trú ở đây không có ý nghĩa", ông Nhưỡng nói.

So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý tại 42 điều, trong đó tập trung: Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật; Chỉnh lý, bổ sung nội dung giải thích một số từ ngữ liên quan đến cư trú; Quy định nguyên tắc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, nguyên tắc về quản lý cư trú.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm