pnvnonline@phunuvietnam.vn
ĐBQH nêu bất cập về tự chủ đại học và lộ trình thay sách giáo khoa
Tự chủ vẫn còn tư duy "đếm số mét vuông để tuyển sinh"
Sáng nay 25/7, Quốc hội dành một ngày để thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Thảo luận trước Quốc hội, ĐB Lê Quân (đoàn Cà Mau) quan tâm đến vấn đề tự chủ đại học và tự chủ các cơ sở dạy nghề mà theo ông đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai. Theo ĐB, chỉ khi triển khai tốt vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp thì mới có nhanh được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển.
ĐB Lê Quân cho biết, thời gian qua cơ sở giáo dục cũng như các cơ sở y tế đóng góp rất quan trọng vào cắt giảm chỉ tiêu biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn rất lúng túng. "Với khu vực tư, đa phần các doanh nghiệp không thể ký trực tiếp đặt hàng, trừ một số doanh nghiệp lớn cần nhân lực kỹ thuật sâu và chuyên môn kỹ năng cao. Do đó, thực tế thời gian qua là nhiều cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp chuyển sang tự chủ nhưng không nhận được chi thường xuyên" – ông nêu thực trạng.
Với bất cập này, ĐB Lê Quân kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới cần có một quan điểm là chuyển chi thường xuyên của các cơ sở sang tự chủ thành chi đầu tư, theo hướng có thể không chi lương nhưng hoàn toàn chi đầu tư để giúp nâng cao chất lượng và thu hút người học.
Một vấn đề nữa liên quan đến tư duy tự chủ, ĐB Quân cho rằng tự chủ cần gắn với quản lý chất lượng đầu ra, đánh giá được bộ chỉ số để đánh giá được hiệu quả cũng như chất lượng của từng cơ sở, của từng ngành nghề, vấn đề việc làm, chất lượng việc làm và đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Quan điểm của ĐB cũng nêu rõ, tự chủ là để từng cơ sở phải có trách nhiệm giải trình về việc mình đóng góp ra sao cho xã hội, trong khi đó vấn đề tự chủ ĐH tại Việt Nam vẫn theo kiểu "đếm số m2, đếm số giáo viên để cho chỉ tiêu tuyển sinh".
"Chúng ta vẫn cam thiệp quá sâu vào vấn đề chức danh này phải kiêm chức danh kia hay rất nhiều yếu tố khác, bắt buộc Chủ tịch Hội đồng trường phải là cơ hữu, dạy chính quy xong mới được dạy tại chức hay phải dạy đại học xong mới được dạy cao học… Những tư duy này tôi cho rằng rất nhiều những quy định chính sách hiện nay cần thay đổi để đảm bảo các đơn vị cơ sở được tự chủ về học thuật cao hơn" – ĐB Lê Quân thẳng thắn đề nghị.
Đánh giá kỹ lộ trình thay sách giáo khoa
ĐB Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, giáo dục là vấn đề Chính phủ cần đặc biệt quan tâm trong giai đoạn 5 năm tới. Theo đó, Chính phủ và ngành giáo dục cần kiên trì, kiên quyết triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Theo ĐB, hiện nay, Bộ Giáo dục đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045. Tuy nhiên, cử tri mong muốn chiến lược này cần sớm được ban hành để tạo sự thống nhất trong triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch giáo dục, đào tạo của toàn ngành và từng địa phương.
Cử tri cũng mong muốn ngay trong năm 2021 đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần quan tâm triển khai thật tốt lộ trình thay sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là vấn đề rất hệ trọng sẽ được triển khai trong suốt nhiệm kỳ 2021-2025. Do đó, việc thay sách giáo khoa cần phải triển khai thật sự khoa học, bài bản, định kỳ nên có đánh giá lại tình hình triển khai và liên tục rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo.