Đề án khởi nghiệp bước đầu đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ Điện Biên

PV
07/10/2022 - 16:24
Đề án khởi nghiệp bước đầu đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ Điện Biên

Gian hàng trưng bày tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Điện Biên năm 2022

Qua 5 năm triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên, bước đầu đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Với vai trò tham gia phát triển kinh tế gia đình, phụ nữ đã mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp, thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Vai trò, vị thế của phụ nữ được thể hiện rõ nét hơn trong gia đình, xã hội. Đồng thời thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia hoạt động Hội và phong trào phụ nữ tại địa phương.

Đề án khởi nghiệp bước đầu đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ Điện Biên - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng (thứ hai từ phải sang) thăm gian hàng trưng bày tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp 2022

Những con số ấn tượng

Giai đoạn 2018-2021, thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939) trên địa bàn tỉnh, các cấp Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả cụ thể:

- 23.000 hội viên, phụ nữ được tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp thông qua gần 1.700 cuộc tuyên truyền.

- Hỗ trợ gần 1.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp

- Phối hợp hỗ trợ thành lập 5 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác do phụ nữ quản lý, 25 tổ/nhóm/CLB liên kết sản xuất với 243 thành viên. Thành lập Câu lạc bộ nữ Doanh nhân tỉnh Điện Biên với gần 50 thành viên tham gia nhằm hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

- 3 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Hỗ trợ 736 triệu đồng để phát triển các ý tưởng khởi sự kinh doanh được phát hiện từ cuộc thi "Ý tưởng Phụ nữ khởi nghiệp" hàng năm.

- Các sở, ngành và đơn vị liên quan đã triển khai các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nữ; hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; hỗ trợ phụ nữ tham gia các hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh, xúc tiến thương mại, tiếp cận thương mại điện tử, hỗ trợ vay vốn… Các huyện, thị, thành phố bố trí kinh phí, chỉ đạo triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp… Đồng thời cũng xác định rõ những tồn tại, hại chế trong giai đoạn 2018-2022, đề ra những giải pháp, nhiệm vụ để tiếp tục triển khai Đề án trong thời tới.

Đề án khởi nghiệp bước đầu đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ Điện Biên - Ảnh 2.

Các cấp Hội luôn đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Ghi nhận kết quả mà các cấp Hội phụ nữ đã đạt được trong triển khai thực hiện Đề án 939 những năm qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Trưởng ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Vừ A Bằng đề nghị Hội phụ nữ các cấp và các sở, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong phát triển kinh tế; tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho phụ nữ, mở các lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho chị em. Bên cạnh đó, các cấp Hội cần tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và khởi nghiệp; định hướng những ngành nghề, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh phù hợp với nhu cầu của thị trường; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, phụ nữ…

Vẫn còn những khó khăn, hạn chế

Từ thực tế thực hiện Đề án, Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã nêu ra những khó khăn, hạn chế trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Đó là: 

Một số cơ quan, đơn vị được phân công trong kế hoạch chưa quan tâm lồng ghép triển khai nội dung Đề án vào kế hoạch hoạt động của cơ quan, đơn vị. Kinh phí thực hiện Đề án cho Hội LHPN các cấp là 1,2 tỷ mới đạt 36% so với nhu cầu kinh phí trong kế hoạch được duyệt, chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực hiện Đề án hiệu quả như kỳ vọng. Nhiều nội dung không thể thực hiện được như kế hoạch hoặc kết quả không cao.

Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương có nơi còn hạn chế. Một số ngành chức năng chưa thực sự sâu sát trong triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động đề ra. Nhiều đơn vị chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ triển khai Đề án tại địa phương. Chưa tham gia đồng hành cùng các cấp Hội trong việc tổ chức thực hiện hoạt động khởi nghiệp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Công tác báo cáo sơ kết chưa đầy đủ, kịp thời.

Việc sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm theo các mô hình đảm bảo an toàn chất lượng chưa nhiều, quy mô liên kết còn nhỏ. Lượng tiêu thụ sản phẩm không ổn định, người dân chưa yên tâm khi tham gia sản xuất. Phần lớn ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ thuộc lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp nên tính rủi ro cao, đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động và chất lượng khi triển khai Đề án. Hầu hết các ý tưởng khởi nghiệp dựa trên các mô hình có sẵn của gia đình hội viên, chưa tìm được mô hình mới, hướng đi mới để khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, năng lực của một số cán bộ Hội LHPN các cấp có phần hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu về hướng dẫn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Tỷ lệ hội viên, phụ nữ tái mù chữ còn khá cao ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền. Trình độ của hội viên, phụ nữ còn hạn chế nên chưa mạnh dạn tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Đề án khởi nghiệp bước đầu đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ Điện Biên - Ảnh 3.

Qua 5 năm triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên, bước đầu đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Để nâng cao hiệu quả Đề án, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các cấp, các ngành, đơn vị, sự đồng hành chủ động của các cấp Hội với những hoạt động cụ thể, tích cực hơn. Đặc biệt là trong thực hiện nhiều chương trình giải quyết việc làm, tạo điều kiện về vốn cho các dự án khởi nghiệp của phụ nữ. Ủy ban nhân dân các cấp cần quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo lồng ghép hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong các chương trình, đề án của địa phương, bố trí kinh phí hợp lý cho thực hiện Đề án. Từ đó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và hỗ trợ tích cực cho phụ nữ và tạo sự chuyển biến rõ rệt trong quá trình khởi nghiệp.

Với những kết quả đã đạt được trong thực hiện Đề án 939, các cấp Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã được Hội LHPN Việt Nam ghi nhận và khen thưởng:

- Tặng bằng khen cho tập thể Hội LHPN tỉnh có thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện Đề án 939 (giai đoạn 2017-2020).

- Tặng bằng khen cho tập thể Hội LHPN huyện Nậm Pồ và cá nhân chị Vàng Thị Sua - Chủ tịch Hội LHPN xã Tỏa Tình huyện Tuần Giáo có thành tích xuất sắc trong Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án 939 (giai đoạn 2017-2022).


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm