Đề án Sữa học đường: Vừa chạy vừa xếp hàng

22/11/2018 - 15:33
Học sinh chưa uống sữa nhưng đã thu tiền của phụ huynh; Chưa công khai loại sữa đã yêu cầu phụ huynh đăng ký; chưa thống nhất Quy chuẩn sữa đã chấm thầu doanh nghiệp... Đó là những sự vội vàng của Hà Nội khi triển khai chương trình Sữa học đường (SHĐ) và gây không ít lo lắng cho các bậc phụ huynh.
Chưa uống sữa đã thu tiền
 
Tại 1 trường Tiểu học (xin được giấu tên) của Đông Anh, Hà Nội, sau khi Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội có chủ trương và công văn về chương trình SHĐ kèm hướng dẫn về trợ giá sữa, Ban Giám hiệu nhà trường đã thông báo tới giáo viên và phụ huynh học sinh. Về phía nhà trường, do chủ quan nghĩ rằng, khi các con vào năm học thì sẽ uống sữa luôn nên trường đã… thu luôn tiền sữa cùng tiền ăn bán trú hằng tháng.
screenshot_2018-11-22-14-23-13-194_comfacebookorca.png
Chia sẻ của phụ huynh học sinh về trường hợp nhà trường vội vàng thu tiền SHĐ

 

Tuy nhiên, sau đó, thấy chương trình SHĐ vẫn chưa triển khai, nhà trường đã nhanh chóng thông báo lại cho phụ huynh. Số tiền phụ huynh đóng để con em mình được uống SHĐ cũng đã được chuyển sang thành tiền ăn bán trú hằng tháng cho các con hoặc trả lại phụ huynh (tùy hình thức lựa chọn). Phụ huynh M. cho rằng: "Sự vội vàng này là do việc triển khai chương trình SHĐ của Hà Nội có nhiều bất cập chứ bản thân nhà trường cũng... bị động".
 
Chưa công khai loại sữa đã yêu cầu phụ huynh... ký
 
Cho đến thời điểm này, cứ nhắc đến "Sữa học đường" là nhiều phụ huynh lại cảm thấy bất an bởi cơ quan quản lý vẫn chưa "chốt" quy chuẩn sữa cũng như doanh nghiệp sữa nào sẽ đồng hành cùng chương trình SHĐ, trong khi đó, rất nhiều phụ huynh đã đặt bút ký quyết định cho con tham gia uống SHĐ.
 
 
Chị Trịnh Tú Huyền (Nguyễn Du, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi có đăng ký cho con uống SHĐ nhưng sau đó thấy lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo nói, SHĐ là loại sữa pha chế riêng, trên thị trường không có. Tôi lo lắm, nhỡ khâu giám sát không cẩn thận, người ta pha sữa bột Trung Quốc cho các con uống thì sao. Tôi không có ý định cho con uống SHĐ nữa nhưng lại... lỡ ký giấy đăng ký rồi".
 
Trước đó, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Phạm Xuân Tiến cho biết, SHĐ có bổ sung thành phần vi lượng, khoáng chất tăng chiều cao so với các sữa khác để giúp trẻ phát triển, theo tiêu chuẩn của Viện Dinh dưỡng đưa ra. Theo đề án, sữa sẽ được dán nhãn sữa học đường và không bán ngoài thị trường. Cho đến nay, quy chuẩn cụ thể về SHĐ đã được Viện Dinh dưỡng kiến nghị và đang chờ đợi Bộ Y tế ban hành.
 
Tương tự, chị Trần Lệ Hà (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho hay: "Chúng tôi chưa biết SHĐ là loại sữa gì, vậy mà Nhà trường đã phát ngay tờ giấy đăng ký uống sữa. Nếu tôi không ký giấy thì cho rằng tôi không có thiện cảm với chương trình do nhà trường tiến hành nhưng nếu tôi đặt bút ký đồng ý cho con uống SHĐ thì tôi lại cảm thấy mình vô trách nhiệm với chính con mình".
 
Về vấn đề này, Luật sư Lê Minh Trường (Công ty Luật Minh Khuê) cho rằng, việc phát tờ đăng ký uống SHĐ vốn là một thỏa thuận dân sự, phiếu này lại là phiếu lấy thông tin một chiều từ phía phụ huynh. Do vậy, khi chưa đủ thông tin (chưa công khai loại sữa trong chương trình SHĐ) mà đã tiến hành lấy thông tin thỏa thuận từ phía phụ huynh là vội vàng.
sua-hoc-duong-crop-crop-1537631572035505278210.jpg
Phiếu lấy ý kiến phụ huynh về việc có cho con uống SDH hay không được gửi đến toàn thể phụ huynh các trường học
“Chốt” doanh nghiệp sữa trước khi “chốt” quy chuẩn sữa?
 
Mới đây nhất, Sở Giáo dục Hà Nội tổ chức mở gói thầu tài chính chương trình “Sữa học đường” Hà Nội. Kết quả Cty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đưa ra giá dự thầu thấp hơn Cty cổ phần thực phẩm sữa TH (TH True milk) hơn 130 tỷ đồng. Được biết, có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm: Cty CP Thực phẩm sữa TH; Cty CP sữa Việt Nam; Cty TNHH Thịnh Anh. Theo đó, Cty TNHH Thịnh Anh đã bị loại vì không đủ năng lực. Dự kiến, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có kết quả đấu thầu vào cuối tuần này.
a-3.jpg
 Lễ mở hồ sơ đề xuất về tài chính Gói thầu mua sữa học đường tại Hà Nội
Trong khi đó, quy chuẩn SHĐ vẫn còn đang được tranh luận. Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình SHĐ có yêu cầu rõ, phải sử dụng sữa có nguồn gốc 100% từ sữa tươi nguyên liệu cho chương trình SHĐ. Tuy nhiên, ngày 17/9/2018, Bộ Y tế đã có văn bản đề xuất với Chính phủ: ngoài sản phẩm sữa tươi, các sản phẩm sữa dạng lỏng khác cũng được tham gia Chương trình SHĐ. Tiếp đó, tại hội thảo “Chuyên đề truyền thông sữa và sản phẩm sữa với dinh dưỡng học đường” do Hiệp hội sữa Việt Nam vào cuối tháng 10/2018, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy cũng bày tỏ mong muốn Bộ Y tế có thể mở rộng tiêu chí SHĐ hơn bởi do cơ địa, nhiều trẻ em hễ cứ uống sữa từ động vật là bị đau bụng, tiêu chảy.
 
Dư luận lại một lần nữa đặt câu hỏi: Quy chuẩn SHĐ vẫn chưa thống nhất, nhưng đã sắp công bố doanh nghiệp trúng thầu? Như vậy, quy chuẩn SHĐ sẽ "chạy theo" doanh nghiệp sữa? Còn nếu doanh nghiệp phải theo quy chuẩn SHĐ thì liệu doanh nghiệp trúng thầu ấy có đáp ứng được Quy chuẩn SHĐ sẽ "chốt" trong tương lai không?
 
Bình luận về chương trình SHĐ tại Hà Nội, Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và đào tạo cộng đồng - Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng, chương trình này hình thành và triển khai một cách vội vã, thể hiện hoặc là môi trường phản biện chính sách y tế công cộng rất yếu, hoặc là có sự độc đoán, chuyên quyền trong việc ra và thực thi chính sách ở cấp lãnh đạo, hoặc là cả hai. Quy chuẩn SHĐ chưa có nhưng đã sắp "chốt" doanh nghiệp cung cấp sữa. Đây là bằng chứng của kiểu làm việc tùy tiện, duy ý chí, “làm lấy được”, nhằm xem là việc đã rồi, bất chấp hậu quả.
 
Thiết nghĩ, Chương trình Sữa học đường (SHĐ) được triển khai với mục đích nhân văn là tăng cường, phát triển thể lực cho trẻ em thì không thể gây quá nhiều hoang mang cho dư luận như vậy!(?)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm