Sữa học đường: Con trẻ uống, người lớn tranh cãi

02/11/2018 - 10:17
Mặc dù chương trình sữa học đường đã triển khai ở một số địa phương, song, đến nay Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn vẫn đang có những quan điểm trái ngược nhau về việc sử dụng loại sữa nào cho Chương trình này. cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc kỹ tính khả thi cũng như khâu giám sát thực hiện chương trình.

Ý kiến trái chiều về quy chuẩn Sữa học đường 

Nói về chương trình Sữa học đường (SHĐ) đang lấy ý kiến triển khai tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Phạm Xuân Tiến cho biết, với đề án này, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tại Hà Nội sẽ được thụ hưởng chương trình trợ giá uống sữa theo năm học, từ năm học 2018 - 2020. Cụ thể, học sinh mầm non và tiểu học sẽ được uống sữa tươi 5 lần/tuần (tức mỗi ngày 1 lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.

 

anh_3.jpg
Ảnh minh họa

 

Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%. Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%.

 

Ông Phạm Xuân Tiến khẳng định, đề án SHĐ không bắt buộc học sinh tham gia. Hiện nay chưa thể công khai được đơn vị cung cấp sữa bởi phải qua đấu thầu để đảm bảo đơn vị cung cấp tốt nhất, đơn vị cung cấp SHĐ có bổ sung thành phần vi lượng, khoáng chất tăng chiều cao so với các sữa khác để giúp trẻ phát triển, theo tiêu chuẩn của Viện Dinh dưỡng đưa ra. Theo đề án, sữa sẽ được dán nhãn sữa học đường và không bán ngoài thị trường. Cho đến nay, quy chuẩn cụ thể về SHĐ đã được Viện Dinh dưỡng kiến nghị và đang chờ đợi Bộ Y tế ban hành.

 

Tuy nhiên, ngày 31/10/2018 vừa qua, Hiệp hội Sữa Việt Nam tổ chức hội thảo “Chuyên đề truyền thông sữa và sản phẩm sữa với dinh dưỡng học đường” và tại hội thảo vẫn còn những ý kiến trái chiều về quy chuẩn SHĐ.

 

Được biết, Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình SHĐ để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 có yêu cầu rõ, phải sử dụng sữa có nguồn gốc 100% từ sữa tươi nguyên liệu cho chương trình SHĐ.

 

Tuy nhiên, mới đây, ngày 17/9/2018 vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản số 5454 - BYT/ATTP đề xuất với Chính phủ: ngoài sản phẩm sữa tươi, các sản phẩm sữa dạng lỏng cũng được tham gia Chương trình SHĐ. Lý do được đưa ra là bởi, dựa trên cơ sở góp ý, đặc biệt ý kiến của Hiệp hội sữa Việt Nam cho rằng: “Việc ban hành chỉ đối với sản phẩm sữa tươi sẽ dẫn tới việc hạn chế sự lựa chọn các loại sữa khác trong khi nhiều sản phẩm khác đã được Bộ Y tế cấp công bố cho phép lưu hành sử dụng cho lứa tuổi học đường. Ngoài sữa tươi nên bổ sung các sản phẩm khác như sữa chua, phomat... vào chương trình”.

 

Tại hội thảo “Chuyên đề truyền thông sữa và sản phẩm sữa với dinh dưỡng học đường”, Hiệp hội sữa Việt Nam cho rằng, sản lượng sữa tươi trong nước mới đáp ứng được khoảng 34% nhu cầu của cả nước, nên khó có thể phục vụ chương trình SHĐ.

 

Tuy nhiên, TS.Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) lại khẳng định, sản lượng sữa nguyên liệu từ đàn bò trong nước hoàn toàn cung cấp đủ cho chương trình SHĐ. Thậm chí, hiện mỗi năm chúng ta còn xuất khẩu được một lượng sữa tươi trị giá khoảng 300 triệu USD.

 

Theo đó, với nhu cầu mỗi học sinh sử dụng 180ml sữa/ngày nhân với 260 ngày đến lớp nhân với khoảng 11 triệu học sinh (từ mẫu giáo đến lớp 6) thì sản lượng sữa cần cho chương trình sữa học đường khoảng 514.000 tấn, tương đương 22.000 tỷ đồng.

 

Trong khi đó, năm 2017, sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước là 801.000 tấn. Đến năm 2018, dự kiến tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt trên 980.000 tấn. Cục Chăn nuôi cũng đã ước tính về nhu cầu tiêu dùng của Chương trình SHĐ, cũng như khả năng cung ứng của ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trong nước.

 

tre-mau-giao-7456-1538065193.jpg
Trẻ mầm non tại TPHCM. Ảnh minh họa: Mạnh Tùng

 

Cũng theo TS Chinh, việc ưu tiên sử dụng sữa tươi còn thúc đẩy tăng trưởng đàn bò sữa trong nước, tạo việc làm cho nông dân; hạn chế nhập khẩu sữa bột vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm, chiến tranh thương mại...

 

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, do cơ địa, nhiều trẻ em hễ cứ uống sữa là bị đau bụng, tiêu chảy. Nguyên nhân là do cơ thể thiếu enzyme tiêu hóa lactase nên không dung nạp được lượng lactose có trong sữa. Đây cũng là lí do mà Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy cũng bày tỏ mong muốn Bộ Y tế có thể mở rộng tiêu chí SHĐ, để ngoài sữa tươi, các sản phẩm sữa khác có thể tham gia chương trình và phục vụ tốt nhu cầu uống sữa của trẻ em.

 

Không để nhà trường thành nơi tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng 

Dù công nhận mục đích của chương trình là rất nhân văn, tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn tỏ ra băn khoăn và lo lắng, nhất là khi đến nay hãng sữa nào sẽ được đưa vào trường học vẫn chưa chốt phương án để phổ biến đến phụ huynh. Việc có hay không cho con tham gia chương trình sữa học đường đã trở nên ồn ào từ hơn một tháng trở lại đây.

 

Chị Đặng Mỹ Hạnh (Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội) có 2 con gái, một học mầm non và một học tiểu học, lo ngại về chất lượng sữa trong chương trình này. “Tôi ký không tham gia chương trình sữa học đường cho con vì không thể kiểm chứng được chất lượng sữa, trước kia đã có tình trạng ngộ độc trong chương trình sữa học đường nên phụ huynh chúng tôi rất lo lắng. Bản thân tôi còn lo ngại liệu các loại sữa đưa vào trường học có phải là những sữa cận date (hết hạn) hay không. Thôi thì để an toàn, tôi sẽ tự mua sữa cho con uống ở nhà.”

 

Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và đào tạo cộng đồng - thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, gọi các loại sữa được tiêu thụ hiện nay là “sữa công nghiệp” bởi nó là loại sữa đã qua khâu chế biến, sản xuất. Theo ông Tuấn, sữa là một môi trường dinh dưỡng rất dễ bị nhiễm trùng, cần có sự kiểm soát gắt gao. Ở khâu sản xuất, sữa đã được cho rất nhiều các chất phụ gia khác nhau, trong đó có thể có cả các hóa chất. Thêm nữa, vấn đề vận chuyển, bảo quản, đưa đến nơi sử dụng với thời tiết khí hậu thất thường như của Việt Nam... thì chuyện ngộ độc rất dễ xảy ra, nhất là khi uống hàng loạt trên diện rộng.

 

img_0104.jpg
Ảnh minh họa

 

Trước những lo ngại này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh đề nghị Bộ Y tế phải có trách nhiệm quản lý chất lượng sữa thành phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có trách nhiệm quản lý chất lượng sữa nguyên liệu. Ngoài ra, ông Chinh cũng đề nghị nên có phụ huynh tham gia giám sát trong Ban Điều hành chương trình SHĐ tại nhà trường, nhằm giám sát hạn dùng, cách ghi nhãn hiệu, chất lượng của sữa tham gia chương trình.

 

Theo ông Chinh, khi chương trình SHĐ triển khai đến các trường học, cần công khai và minh bạch các sản phẩm sử dụng cho chương trình, mức giá và chất lượng sản phẩm để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng chiều cao và sức bền cho trẻ, đồng thời không để nhà trường thành nơi tiêu thụ các sản phẩm chất lượng chưa đảm bảo.

* “Tổng kinh phí thực hiện dự kiến cho chương trình SHĐ giai đoạn 2018 - 2020 tại Hà Nội là hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 890 triệu đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng”, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội.

* “Tôi nghĩ câu chuyện “Sữa học đường” cần phải được cân nhắc rất kỹ. Mục tiêu tăng chiều cao cho trẻ em Việt Nam là một mục tiêu đúng đắn và tốt nhưng việc dùng một số tiền “khổng lồ” để đầu tư vào việc uống sữa là chưa cần thiết trong khi uống sữa chỉ là một trong những cách thức để tăng trưởng chiều cao cho trẻ mà thôi. Rất nhiều những nội dung khác cần đầu tư như việc thay đổi tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ, bằng việc chăm sóc trẻ trong 1000 ngày đầu đời... chẳng hạn. Không nên từ một mục đích nhân văn mà lại tạo ra “lợi ích nhóm” trong câu chuyện này”, Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và đào tạo cộng đồng - Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm