pnvnonline@phunuvietnam.vn
Để cây chè đã trở thành chủ lực kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Các thành viên của Tổ liên kết chè Long Cốc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ
Xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ nổi tiếng với khung cảnh đồi chè nên thơ với địa hình gồm những quả đồi xanh mướt và những khúc quanh mềm mại. Không chỉ là một địa điểm được khách du lịch yêu thích, đồi chè Long Cốc còn là nguồn gốc của nhiều sản phẩm chè khô chất lượng và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Tổ liên kết chè Long Cốc được hình thành dựa trên các mô hình thực hiện mục tiêu của Dự án 8 với mục đích "Cùng đồng bào dân tộc thiểu số chung tay phát triển kinh tế - xã hội tại miền núi". Thông qua các hoạt động của Tổ, nhiều chị em người dân tộc thiểu số tại xã Long Cốc đã được học hỏi rất nhiều về làm nông và canh tác cây chè.
Kể về lý do và cơ duyên khiến cho Tổ liên kết được thành lập, chị Hà Thị Tuyến - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và chế biến chè an toàn Tuyến Mười cho biết: "Địa phương chúng tôi đang sống luôn có nguồn nguyên liệu chè tươi sẵn từ các đồi chè. Tuy nhiên, sau một thời gian tìm hiểu thị trường và nhu cầu của khách hàng thì tôi nhận thấy, các tiêu chí của chè khô là an toàn và đảm bảo hiện đang được đặt lên hàng đầu. Do vậy, chúng tôi đã quyết tâm tận dụng những lợi thế của các giống chè địa phương để có thể tạo ra những sản phẩm chè khô ngon, đạt chất lượng cao và an toàn với sức khỏe người tiêu dùng nhất".
Vào thời gian đầu khi đưa ý tưởng về Tổ được hình thành, chị Tuyến đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của 8 thành viên khác. Để hỗ trợ các chị em xã Long Cốc, Hội LHPN xã và các cơ quan địa phương đã mở các buổi họp, hội nghị và các lớp tập huấn để hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm về việc sản xuất, chế biến và kinh doanh chè. Cho đến hiện tại, Tổ đã thu hút được 17 thành viên tham gia (100% các chị em thuộc dân tộc thiểu số).
Để có thể tạo ra các sản phẩm chè sạch và đảm bảo an toàn, các chị em tại Tổ đã được tập huấn về khoa học kỹ thuật chăm sóc và chế biến chè để áp dụng vào sản xuất. Việc chăm sóc cây chè được tuân theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm bao gồm: Sử dụng phân chuồng trong chăm bón, làm cỏ thường xuyên, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách và đủ ngày cách ly… Sau từ 35 - 40 ngày, cây chè sẽ phát triển đến giai đoạn ra búp và các thành viên Tổ liên kết sẽ tiến hành lựa chọn thu hái những ngọn chè tươi chất lượng nhất.
Chị Tuyến chia sẻ: "Khu vực chế biến chè của chúng tôi luôn được đảm bảo sạch sẽ, các dụng cụ máy móc được vệ sinh thường xuyên. Chè sau khi hái được chúng tôi đánh mốc, lấy hương, quay khô và quạt sạch để loại bỏ những phần chè cám, đồng thời nhặt bỏ những phần chưa đảm bảo yêu cầu sản phẩm. Sau cùng là bước đợi chè nguội rồi đóng gói cẩn thận để giữ hương vị tươi và ngon của chè".
Kể từ khi được ra mắt thị trường vào cuối năm 2023 cho đến nay, các sản phẩm chè khô của Tổ liên kết chè Long Cốc đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực và thu hút được thêm nhiều tệp khách hàng. Những thành công đó đã giúp các chị em của Tổ gia tăng thu nhập, bình quân mỗi tháng từ 4 đến 5 triệu đồng và dần dần cải thiện được chất lượng cuộc sống. Có thể nói, nhờ sự hình thành và các hoạt động của Tổ liên kết, nhiều hộ gia đình của các chị em dân tộc thiểu số đã vươn lên và phát triển kinh tế. Trong đó, một số chị em từng trong hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo giờ đã thoát nghèo, có đủ thu nhập để trang trải cho bản thân và gia đình.
Được biết, Hội LHPN xã Long Cốc đã có một số kế hoạch cụ thể về việc giúp đỡ, hướng dẫn để Tổ liên kết chè được đăng ký chứng nhận OCOOP cho sản phẩm chè khô "Bát Tiên", gia tăng độ nhận diện và uy tín cho sản phẩm chè chủ lực tại địa phương. Đồng thời, Tổ cũng có mong muốn được vay vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để Tổ được mở rộng sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm.
"Trong thời gian tới, Tổ sẽ tiếp tục sản xuất và chế biến chè sạch, hướng tới chất lượng sản phẩm cao để đưa ra thị trường. Không chỉ giúp địa phương mình phát triển kinh tế, chúng tôi còn mong muốn giúp cho các chị em dân tộc thiểu số có thêm thu nhập và cải thiện điều kiện sống, kinh tế của gia đình", chị Tuyến cho hay.