pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phú Thọ: Nỗ lực gìn giữ và bảo tồn lễ Lập tĩnh của người Dao Tiền
Ngày làm lễ Lập Tĩnh cũng là ngày vui của bản làng - Ảnh minh họa
Nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, lễ Lập tĩnh mang lại những giá trị tiêu biểu về nét đẹp truyền thống, cần được gìn giữ vào bảo tồn. Nhận thức được điều này, nhiều người dân tại xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực bảo tồn và phát triển văn hóa này.
Xuất phát từ một truyền thuyết của tộc người Dao ở vùng cao, lễ Lập tĩnh được lấy ý nghĩa từ việc "các vị thần truyền phép thuật cho những người đàn ông trụ cột gia đình để cùng với quân của Ngọc Hoàng diệt trừ yêu quái đang phá hoại mùa màng của con người". Hay nói cách khác, những người đàn ông được Ngọc Hoàng ban lệnh cấp sắc để giúp dân trừ họa. Từ đó, lễ cấp sắc người Dao Tiền ra đời, được duy trì và phát triển cho đến ngày nay.
Thời gian thực hiện lễ cấp sắc thường đặt vào khoảng cuối năm hoặc mùa xuân, gồm 3 ngày 2 đêm: ngày vào lễ, ngày lễ chính và ngày kết thúc lễ. Mỗi bé trai Dao Tiền khi tiến vào độ tuổi từ 9 đến 12 đều phải trải qua lễ này để được đặt tên cúng cơm và được công nhận là người trưởng thành, có vị trí trong dòng họ. Vì vậy, người đàn ông Dao Tiền ai cũng có hai tên: tên thường gọi và tên được đặt trong lễ cấp sắc – đây cũng là tên được bố mẹ, người có vai vế dùng để gọi và được sử dụng trong lễ cúng khi người đàn ông mất.
Chị Bàn Thị Kim Liên, Tổ trưởng CLB Văn nghệ khu Cỏi, xã Xuân Sơn, được biết: "Lễ Lập tĩnh là nghi lễ trưởng thành của người con trai Dao Tiền, nếu không thực hiện nghi lễ thì không phải là người trưởng thành, đến khi mất vẫn là trẻ con. Với truyền thống như vậy, nghi lễ cấp sắc của người Dao tiền là một nghi lễ không thể xóa bỏ hay mai một".
Người Dao sẽ phải thực hiện các nghi lễ như lễ hẹn, lễ hợp sư, lễ đặt tên, lễ đưa ma đồi… Trang phục của buổi lễ cũng được dệt may từ chất liệu thổ cẩm của người Dao, bao gồm áo dài truyền thống, dây buộc lưng, khăn quấn đầu và mũ chào mào. Ngoài ra, lễ cúng còn cần một bộ chuông lắc và hai bộ tranh: bộ tranh dài (6 bức treo tường) và bộ tranh ngắn (2 bức), được đứa trẻ đội lên đầu khi làm lễ cúng thầy mo.
Hai ông thầy mo (được chia ra là thầy cả và thầy con) có uy tín sẽ được gia đình mời đến và thực hiện cúng bái suốt hai ngày hai đêm. Vào đúng nửa đêm đầu tiên của nghi lễ, đứa trẻ sẽ phải cùng bố ruột ăn hết một con gà. Cho đến lúc 1 giờ sáng, tên của đứa trẻ sẽ được quyết định.
Chị Liên cho biết thêm: "Trong nghi lễ không thể thiếu tiếng trống, chiêng, và tiếng sáo tù vang lên, chúng có nhiệm vụ báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Rồi sau khi người đàn ông được đặt tên, múa Lập tĩnh sẽ bắt đầu được thực hiện gồm 4 lượt múa là múa bốn người, múa tập thể, múa đôi và múa một mình (hay còn gọi là tiễn ma đồi). Điệu múa sẽ được thực hiện đến sáng".
Lễ Lập tĩnh không chỉ là một nghi thức truyền thống mà còn là một minh chứng cho sự phát triển của người Dao Tiền, phản ánh những phong tục tập quán đa dạng. Các bài múa Lập tĩnh đều có nội dung phong phú từ quá trình lao động, sản xuất đến việc tạo ra các vật phẩm dâng cúng thần linh của người Dao Tiền. Theo thống kê, có tổng cộng 24 điệu múa, 36 bài hát và rất nhiều các câu chuyện thần thoại khác được người Dao kể với nhau trong lễ Lập tĩnh.
Điều đó cho thấy, nghi lễ này chính là một biểu tượng văn hóa đặc trưng và tổng hợp rất nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử của cộng đồng người Dao Tiền. Vì vậy, lễ Lập tĩnh và múa Lập tĩnh luôn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử tộc người và cần được bảo tồn, phát triển.
Để thực hiện gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Dao Tiền, Ủy ban nhân dân xã Xuân Sơn đã thành lập 4 CLB văn nghệ với 58 thành viên tại 4 khu dân cư. Bên cạnh các công tác tuyên truyền đến các cán bộ, hội viên và nhân dân nhằm quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao. Các câu lạc bộ Văn nghệ xã đã phối hợp cùng Sở văn hóa Thông tin và Du lịch, phòng Văn hóa thể thao huyện để tổ chức lớp tập huấn truyền dạy các điệu múa trong lễ Lập Tĩnh với 80 thành viên đăng ký tham gia vào tháng 5/2024.
Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể và chính những người dân trên địa bàn, công tác bảo tồn và gìn giữ múa Lập tĩnh nói riêng và lễ Lập tĩnh nói chung đã có được quá trình khá thuận lợi. Mặt khác, xã Xuân Sơn cũng có lợi thế về phát triển du lịch cộng đồng nên người dân trên địa bàn xã càng ý thức được tầm quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.
Theo chị Bàn Thị Kim Liên, lễ Lập tĩnh của người Dao Tiền là một biểu tượng văn hóa tổng hợp và phong phú, có giá trị trong việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử tộc người, phản ánh nhiều khía cạnh cuộc sống của cộng đồng người Dao Tiền. Lễ này đóng vai trò là cầu nối, tăng cường tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau giữa các thành viên, tạo nên sự cố kết trong cộng đồng. Vì vậy, cùng với các đoàn thể, chính quyền và nhân dân xã Xuân Sơn, CLB Văn nghệ khu Cỏi đã cùng nhau bảo tồn và phát huy nét văn hóa phi vật thể này.