Để làm giàu từ mắc ca, giống cây quyết định 85% thành công

An Khê
13/09/2022 - 15:12
Để làm giàu từ mắc ca, giống cây quyết định 85% thành công

Chị Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và dịch vụ An Phát

Hạt mắc ca được coi là"nữ hoàng của những loại quả khô", chính là mẫu sản phẩm nông sản được trông đợi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao với tên gọi ''cây tỷ đô''.

Đắk Nông nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, 40 dân tộc anh em sinh sống nơi đây, đã tạo nên vùng đất đa văn hóa, được thiên nhiên ưu đãi, với khí hậu ôn hòa, đất đỏ bazan trù phú, đã sản sinh ra nhiều nông sản đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên như cà phê, tiêu, điều, mắc ca, sầu riêng, bơ, mật ong…

Là người con của vùng đất cao nguyên, từ nhỏ lớn lên trong gia đình thuần nông, thấm cảnh khổ cực của người nông dân khi được mùa mất giá, được giá mất mùa. Với mong muốn giúp người dân địa phương, Chị Trần Thị Dịu (SN 1989) đã tìm nhiều cách để chế biến sản phẩm sau thu hoạch góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và tăng giá trị các loại nông sản tại địa phương.

Để mắc ca thành cây làm giàu: Giống quyết định 85% thành công - Ảnh 1.

Tốt nghiệp cử nhân ngành Tin học, trường Đại học Tây Nguyên, chị Trần Thị Dịu trở thành giáo viên rồi chuyển hướng làm kinh doanh nông sản

Sau nhiều năm mày mò và tìm hướng đi cho nông sản địa phương, chị đã đạt được những gì?

Ban đầu tôi thành lập mở xưởng sản xuất hạt Mắc ca sấy với thương hiệu mắc ca Vida Boom, đây được chọn là 1 trong 8 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Đắk Nông và tạo được niềm tin với nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Không dừng lại ở đấy, tôi đã nghiên cứu tài liệu và học hỏi kinh nghiệm tại một số địa phương để hình thành sản phẩm Thanh hạt dinh dưỡng VidaBoom với thành phần gồm hạt mắc ca, hạt điều, gạo lứt, mật ong…

Để mắc ca thành cây làm giàu: Giống quyết định 85% thành công - Ảnh 2.

Sản phẩm mắc ca của chị Dịu

Theo chị để hàng nông sản địa phương và cụ thể là hạt mắc ca phát triển và có chỗ đứng bền vững, người nông dân cần làm những gì?

Đó là phải hiểu được giá trị của cây mắc ca. Macadamia hay còn được biết đến với tên gọi là mắc ca, có nguồn gốc từ Úc được du nhập sang nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam khoảng 20 năm nay. Đây là loại cây rừng dễ trồng, dễ chăm bón, sức sống mạnh mẽ, không đòi hỏi kỹ thuật cao, phù hợp với khí hậu nhiệt đới. 

Cây mắc ca có năng suất ổn định và thu hoạch được lâu dài, trung bình vòng đời của cây mắc ca là trên 70 năm, thậm chí có cây hơn 100 năm vẫn cho thu hoạch.

Mắc ca có thể chế biến thành nhiều sản phẩm trong nhiều ngành hàng khác nhau như thực phẩm tăng cường sức khỏe và giảm cân, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… các sản phẩm từ các bộ phận khác của cây như vỏ hạt mắc ca có thể làm phân bón, chất đốt…

Rồi đến khí hậu, giống cây và cách chăm sóc. Hiện tại, cây này chỉ được trồng ở những nơi có khí hậu lạnh, mát mẻ mới cho thu trái cao và chất lượng hạt tốt. Tiếp đến là thu trái phải đủ độ già, bên trong vỏ phải có màu nâu mới được hái hoặc phải chờ rụng nhặt, hạt mới đạt chất lượng. Người dân giờ đây có nhiều hộ thấy được giá nên hái non.

Tôi được biết là, theo thống kê của Hội đồng hạt quả khô quốc tế (INC), trong vòng 5 - 6 năm tới, nhu cầu sử dụng nhân hạt mắc ca vẫn duy trì ở mức tăng trưởng cao. Cũng theo dự báo của INC, đến năm 2030, lượng cung mắc ca trên toàn thế giới mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Thị trường chính tiêu thụ các sản phẩm mắc ca hiện nay là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khu vực Trung Đông, Ấn Độ… Hiện nay, số lượng người tiêu dùng biết đến các sản phẩm mắc ca tại các quốc gia đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ… có xu hướng tăng, kéo theo nhu cầu tiêu thụ maccca tại các thị trường tiềm năng này sẽ ngày càng tăng cao. Đây là thị trường đầu ra vô cùng tiềm năng cho người trồng mắc ca.

Nhưng tôi vẫn nhắc lại rằng giống cây quyết định sự thành công, bởi chọn được giống phù hợp với từng vùng sẽ quyết định hơn 80 thành công hay thất bại đối với những người trồng mắc ca. Theo khuyến cáo, cây giống mắc ca được sử dụng phải là cây ghép, không sử dụng cây giống thực sinh để đảm bảo sự đồng đều về sinh trưởng và độ thuần giống.

Cây mắc ca cần chăm sóc cẩn thận thì mới cho năng suất và chất lượng hạt tốt vì chúng dễ bị nhiễm nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến cây mắc ca bao gồm bệnh thối rễ, cháy lá... Để tránh thất thoát do nấm mốc, nảy mầm và động vật gây hại, hạt mắc ca nên được thu hoạch ít nhất bốn tuần một lần khi thời tiết mưa, mặc dù không cần thu hoạch thường xuyên trong thời tiết khô hạn.

Theo chị xu hướng tiêu thụ hạt mắc ca hiện nay như thế nào?

Xu thế tiêu thụ hạt mắc ca làm đồ ăn nhẹ lành mạnh, giúp giảm cân và giữ gìn sức khỏe trên thế giới ngày càng tăng. Một khẩu phần hạt có thể là sự thay thế có lợi cho thịt chế biến, khoai tây chiên hoặc đồ ăn nhẹ có đường. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng mắc ca chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu tiêu thụ của người dân trên thế giới.

Để mắc ca thành cây làm giàu: Giống quyết định 85% thành công - Ảnh 3.

Nhân viên đóng gói thành phẩm

Theo tính toán của giới chuyên gia, 1ha mắc ca trồng khoảng 360 cây, sau 3 năm trồng cây đã cho bói quả và cho thu hoạch ổn định bắt đầu từ năm thứ 5 trở đi. Trung bình cây mắc ca 9 năm tuổi sẽ cho thu hoạch 5 tấn quả/ha. Nếu trồng xen cà phê và mắc ca sẽ cho hiệu quả kinh tế rất cao. 

Muốn mắc ca là cây "hái ra tiền" cần xây dựng thương hiệu sản phẩm có uy tín, đảm bảo cây được trồng có nguồn gốc xuất xứ, được chăm sóc theo đúng các yêu cầu, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc…

Cảm ơn chị về những tư vấn trên!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm