pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề Ngữ văn thi vào lớp 10 Hà Nội vừa sức, không đánh đố
Sáng 12/6, học sinh Hà Nội tham gia ngày thi đầu tiên với hai môn Ngữ văn, Ngoại ngữ. Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 nên để hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh, thời gian làm bài được rút ngắn lại. Môn Ngữ văn theo đó dài 150 phút.
Nhận xét chung về đề thi môn Ngữ văn, TS Trịnh Thu Tuyết – nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, đề vừa sức, không đánh đố học sinh, có tính phân loại ngay trong cấu trúc quen thuộc, kiểm tra đúng những đơn vị kiến thức và kĩ năng cơ bản trong chương trình.
Theo TS Thu Tuyết, sự thay đổi trong cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn từ năm 2011 tới nay chỉ xê xích một chút ít ở quĩ điểm, hoặc 7/3, hoặc 6/4; ở thứ tự phần kiểm tra kiến thức nghị luận văn học và nghị luận xã hội trước hay sau… Không khó để nhận ra sự lặp lại trong nội bộ cấu trúc hai phần của đề thi – hơn chục năm qua, cả hai phần đều có cùng một kiểu dạng với sự kết hợp giữa câu hỏi đọc hiểu và yêu cầu viết đoạn văn.
Các câu hỏi tập trung mấy dạng cơ bản: câu hỏi kiểm tra kiến thức về tác phẩm văn học ( tên tác phẩm, tên tác giả, năm sáng tác, hoàn cảnh sáng tác, những tác phẩm cùng chủ đề…); câu hỏi kiểm tra kỹ năng phân tích, cảm thụ ( phát hiện và phân tích giá trị biểu cảm của một biện pháp tu từ, một cấu trúc ngữ pháp đặc biệt, một hình ảnh, từ ngữ…); câu hỏi kiểm tra kỹ năng viết đoạn văn cùng những yêu cầu về kiến thức tiếng Việt…
Đề thi tuyển sinh môn Ngữ văn năm 2021, phần nghị luận văn học cũng sử dụng ngữ liệu đọc hiểu và nghị luận là đoạn trích trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, phần nghị luận xã hội cũng là một trích đoạn trong sách Ngữ văn lớp 9, tập 2.
Phần thứ nhất gồm 3 câu hỏi kiểm tra các kiến thức về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu. Câu hỏi số 1 kiểm tra những kiến thức về tác giả, tác phẩm ( năm sáng tác bài thơ, tên tập thơ) ; câu hỏi số 2 kiểm tra kỹ năng viết đoạn văn theo những yêu cầu cụ thể về nội dung và hình thức được xác định trong câu lệnh; câu hỏi 3 kiểm tra kỹ năng thông hiểu và cảm thụ văn học...
"Đó là những đơn vị kiến thức và kỹ năng quen thuộc với cấp THCS nên chắc chắn sẽ không làm khó cho các em"- TS Thu Tuyết nhận định.
TS Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh về cách hiểu hai chữ "đồng chí" trong bài thơ cùng tên, từ yêu cầu viết đoạn văn trong câu hỏi số 2: "làm rõ cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính cách mạng". Câu lệnh này yêu cầu học sinh phân tích những yếu tố cơ bản nhất làm cơ sở cho tình đồng chí, cơ sở xuất phát từ cách hiểu ý nghĩa của từ "đồng chí" – một từ Hán Việt quen thuộc.
Theo cô, đây cũng là những kiến thức các thầy cô giảng bao nhiêu năm nay và chắc chắn học trò đã thuộc lòng: tình đồng chí xuất phát từ sự đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ đói nghèo, cùng chí hướng cầm súng chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước, những con người hiểu nhau, thương nhau và có thể chia sẻ với nhau như những người tri kỉ…
"Học sinh phải hiểu họ là những người cùng chí hướng, còn sự xuất thân của họ chỉ là một trong những yếu tố tạo nên sự đa dạng, phong phú của cuộc sống, cách hiểu ấy khiến học sinh được tiếp xúc đồng thời với những người lính ra chiến trường vẫn canh cánh với "Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/ Gian nhà không mặc kệ gió lung lay" và những chàng trai hào hoa lãng mạn dằn lòng ra đi, bỏ lại cả một Hà Nội "Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"… Cách hiểu này khiến khái niệm "đồng chí" rộng hơn, tránh được những cực đoan nhiều khi tạo ra bi kịch cho cả cuộc đời lẫn văn chương"- cô Tuyết cho biết.
Câu hỏi số 2 phần nghị luận xã hội, cô Tuyết cho rằng nên diễn đạt lại cho logic hơn khi "Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người" là một câu hỏi, chưa phải ý kiến. Do vậy, có thể yêu cầu một câu lệnh phù hợp hơn, ví dụ: "Dựa vào đoạn trích trên kết hợp với những hiểu biết xã hội, hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi để trả lời câu hỏi: "Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?".
"Văn chương luôn hướng tới cái Đẹp, và cái Đẹp luôn cần sự mới mẻ cùng một khoảng trời tự do cho suy tưởng và cảm nhận! Và các đề văn càng cần điều đó" – TS Trịnh Thu Tuyết nói.