Để những “bông hoa khuyết cánh” được hòa nhập

An Khê
23/11/2023 - 11:13
Để những “bông hoa khuyết cánh” được hòa nhập

Kỹ thuật viên Lưu Thị Thanh Hải cùng với bệnh nhi chơi trò đóng vai

Nhìn bé Minh (2 tuổi) tha thẩn chơi một mình, vô cảm với mọi điều xung quanh, chị Lưu Thị Thanh Hải, Trưởng nhóm ngôn ngữ, Khoa Nhi, Bệnh viện Phục Hồi chức năng Hà Nội, không khỏi rơi nước mắt. Chị của bé Minh mất vì bệnh ung thư máu khi mới 5 tuổi, còn Minh, chứng tự kỷ của em ngày càng nặng.
Dành cả trái tim cho trẻ tự kỷ

Kỹ thuật viên Lưu Thị Thanh Hải kể, thời điểm chị gặp bé Minh, thấy cháu không hiểu lời người khác nói, việc ăn uống và vệ sinh gặp nhiều khó khăn. Hằng ngày, chị tiếp xúc và dạy bé cách ăn, vệ sinh cá nhân. 

"Sau nhiều năm, với sự nỗ lực của cô, trò và gia đình, bé Minh đã biết nói, tự sinh hoạt và bắt đầu hòa nhập với cuộc sống. Tôi xúc động nhất là khi con vào cấp 3, mẹ đã chở con đến gặp cô chỉ để nói 2 tiếng cảm ơn".

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường học về ngành Phục hồi chức năng, chị Thanh Hải đã có cơ hội được đi thực tập, tiếp xúc với nhiều đứa trẻ chỉ biết khóc, biết cười mà không biết nói, chưa hiểu được lời người khác nói.

Lúc đó, chị đã ấp ủ mong muốn sau khi ra trường sẽ giúp đỡ những đứa trẻ không may mắn kia, để chúng được hòa nhập cuộc sống như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng khi bước vào nghề, chị mới nhận ra đây là một việc khó, nếu không hết mình, không dành cả trái tim thì thật khó để hiện thực hóa mơ ước của mình. 

"Tôi thật sự bị sốc khi tiếp xúc với trẻ thấy chúng thờ ơ, không quan tâm, không chú ý tới người đối diện, chỉ thích ngồi một mình, có khi chỉ ngồi cười và ngồi khóc. Có nhiều trẻ còn có hành vi đập phá, la hét, thậm chí làm đau chính mình. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh không thừa nhận con mình là trẻ khuyết tật, có thái độ né tránh. Thế nhưng tôi đã không nản chí mà quyết tâm theo nghề đến cùng", chị Hải chia sẻ.

Để những “bông hoa khuyết cánh” được hòa nhập
- Ảnh 1.

Kỹ thuật viên Lưu Thị Thanh Hải giúp trẻ nhận biết các phương tiện giao thông

Xuất phát từ tình yêu nghề, mến trẻ, chị tự nhủ bản thân phải không ngừng trau dồi kiến thức, phải kiên trì, nhẫn nại, lắng nghe và đặt mình vào gia đình trẻ để thấu hiểu họ. Khó khăn còn nhiều, có lúc tưởng chừng bản thân không đủ sức để vượt qua nhưng trong quá trình làm việc, nhìn thấy những tiến bộ của trẻ, lời động viên, lời cảm ơn từ phụ huynh, chị lại có thêm động lực để nỗ lực mỗi ngày.

Ngày đêm nghiên cứu, phát triển kỹ thuật mới

Chị Hải cho biết, mỗi trẻ đều có những khó khăn riêng, nên cần tìm ra phương pháp phù hợp với từng trẻ. Điều đó đòi hỏi y, bác sĩ, kĩ thuật viên phải thật sự yêu trẻ và tâm huyết với nghề.

"Cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học hiện nay còn thiếu thốn, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu điều trị cho trẻ. Sau khi điều trị thì đâu là môi trường để trẻ được hòa nhập và ngành nghề công việc nào phù hợp với trẻ? Đó là nỗi trăn trở của tôi", chị Hải trải lòng.

Và rồi chị ngày đêm nghiên cứu để cùng đồng nghiệp phát triển các kỹ thuật, phương pháp giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp sớm, dạy trẻ hiểu và diễn đạt ngôn ngữ, điều chỉnh rối loạn phát âm... 

Cùng với đó là nghiên cứu phối hợp các phương pháp khác như: can thiệp hành vi, chơi trị liệu và điều hòa giác quan. Bên cạnh đó, chị tham gia đóng góp ý kiến cùng tập thể y, bác sĩ của khoa xây dựng chương trình luyện tập ở nhà cho trẻ. Hạnh phúc của chị là được chứng kiến trẻ tự kỷ - những "bông hoa khuyết cánh"- được tươi vui, hòa nhập cộng đồng.

Trong thời gian tới, chị tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh các biện pháp phục hồi chức năng theo nhóm cho trẻ, đặc biệt là trẻ tự kỷ; kết hợp hiệu quả của phục hồi chức năng trong ngôn ngữ trị liệu với các chuyên ngành khác như: Giáo dục đặc biệt, tâm lý trị liệu, y học cổ truyền… 

Chị mong muốn góp phần phát triển mô hình phục hồi chức năng chuyên sâu toàn diện cho trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ rối loạn phổ tự kỷ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm