pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kỹ năng làm kinh tế thoát nghèo cho phụ nữ khuyết tật
Chị Trần Mỹ Quyên (bên trái) và chị Trinh (thành viên Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng Comic)
Theo chị Trần Mỹ Quyên, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Minh An (Sơn Trà, Đà Nẵng) - một doanh nghiệp kết nối, hỗ trợ người khuyết tật tại Đà Nẵng, nguyên nhân bởi đa số người khuyết tật có sức khỏe kém, đi đứng, giao thiệp không được như người bình thường nên chọn lối sống khép kín. Người khuyết tật sinh hoạt cộng đồng đa số dựa vào các nhóm, hội và tiếp nhận thông tin từ các nhóm, hội này. Nhiều người chưa chủ động tìm hiểu sâu các thông tin về chính sách cũng như tình hình kinh tế - xã hội để hoạch định cho mình một công việc phù hợp.
Bản thân chị Quyên cũng là một người phụ nữ nhỏ bé, chỉ cao hơn 140cm. Khi sinh ra 2 chân của chị không được như những trẻ khác, nhưng nhờ can thiệp của kĩ thuật nay chị đã đi lại bình thường. Chị luôn có sự đồng cảm với những người khuyết tật, chính vì thế trong nhiều năm qua, chị luôn tìm cách để đồng hành và hỗ trợ những người yếu thế trên địa bàn. Trước đó, chị Quyên đã có 14 năm làm chuyên viên phụ trách tổng hợp tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Đà Nẵng.
Có nhiều năm trong công tác kết nối, hợp tác, đồng hành cùng người khuyết tật tại Đà Nẵng, Công ty của chị đã có nhiều kinh nghiệm trong các sản phẩm handmade do người lao động khuyết tật thực hiện. Chị Mỹ Quyên khẳng định, người khuyết tật có đủ khả năng để khởi nghiệp, quan trọng là mang đến cho họ thông tin và sự hỗ trợ ban đầu.
"Chúng tôi bám sát thị trường để tìm kiếm khách hàng đến mua, đặt hàng các sản phẩm handmade; giúp người khuyết tạt giới thiệu hình ảnh cũng như sản phẩm thủ công đến với du khách và người tiêu dùng. Công ty cũng lan tỏa hình ảnh và sản phẩm trên các phương tiện truyền thông với mong muốn góp một phần nhỏ cho việc tìm đầu ra sản phẩm của người khuyết tật", chị Mỹ Quyên cho biết.
Theo chị, những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã và đang xây dựng cơ chế thuận lợi giúp cho cộng đồng người khuyết tật khởi nghiệp. Từ phía người khuyết tật, họ hoàn toàn có khả năng tạo nên sản phẩm có giá trị để làm kinh tế thoát nghèo, thậm chí làm giàu từ sản phẩm của mình. Những người khuyết tật khởi nghiệp thành công cũng trở thành cầu nối giữa du khách, người tiêu dùng đến với các sản phẩm của cộng đồng khuyết tật. Sản phẩm được mua nhiều sẽ khiến cộng đồng người khuyết tật tự tin hơn, có thêm chi phí tự trang trải cuộc sống, giảm bớt phụ thuộc vào gia đình, xã hội.
Tuy nhiên, chị Quyên cũng chỉ ra rằng, khó khăn nhất đối với người khuyết tật chính là các kỹ năng liên quan đến mẫu mã, bao bì sản phẩm; khả năng giao tiếp, tiếp cận khách hàng; ít cơ hội tiếp cận với thị trường kể cả online và trực tiếp.
"Theo tôi, người khuyết tật cần tự tin hơn và cố gắng rèn luyện kỹ năng giao tiếp; tự hoàn thiện sản phẩm; chủ động liên hệ với các đoàn thể để được giúp đỡ và mạnh dạn tham gia các cuộc thi khởi nghiệp cấp phường, quận, thành phố" - chị Quyên chia sẻ thêm.
Theo chị Quyên, không chỉ đối với các chị em khuyết tật mà bất cứ phụ nữ nào làm kinh tế cũng sẽ khó khăn nhiều hơn so với nam giới vì phụ nữ còn phải "kiêm nhiệm" thiên chức làm vợ, làm mẹ, làm dâu... Bởi vậy, phụ nữ cần trang bị những kỹ năng để làm kinh tế và hướng đến kinh tế ổn định, thu nhập cao. Các kỹ năng đó bao gồm kỹ năng giao tiếp; kỹ năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội; kỹ năng phân tích thị trường để từ đó tìm hiểu, phối hợp hoàn thiện sản phẩm chủ lực về cả số lượng, chất lượng, mẫu mã bao bì sao cho thu hút và thuyết phục được khách hàng mua sản phẩm với giá hợp lý nhất.
"Và theo tôi, điều quan trọng nhất của chị em khi làm kinh tế là hãy đồng hành với nhau, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để mỗi chị em được thành công với sản phẩm của mình và tạo nên cộng đồng phụ nữ làm kinh tế đoàn kết, lớn mạnh và nhân văn", chị Quyên nhấn mạnh.
Công ty TNHH Thịnh Minh An của chị Trần Mỹ Quyên đã và đang giới thiệu đầu ra cũng như hỗ trợ kĩ năng làm kinh doanh, khởi nghiệp cho hàng chục cá nhân, hợp tác xã do người khuyết tật làm chủ. Điển hình như nhóm sản phẩm móc khóa len của chị Huỳnh Thu Giang; nhóm sản phẩm thiệp hoa giấy cuộn của chị Hồ Thị Láng, Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng Comic...