Hiện nay vẫn chưa có thống kê đầy đủ về tỷ lệ lao động nữ trên 35 tuổi bị “thải loại” tại các khu công nghiệp. Dù vậy, phần đông những người bị nghỉ việc phải đối diện với cuộc sống bấp bênh, thiếu bền vững. Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khảo sát, khi người lao động bị sa thải hoặc tự ý thôi việc, có đến 43,1% chuyển sang làm công việc tự do; 15,3% làm công việc nội trợ; 13,3% làm ruộng…
Riêng với lao động nữ, sau khi ra khỏi khu công nghiệp, phần lớn họ lao động ở khu vực phi chính thức, có đến 82,6% đi bán hàng rong; 12,1% làm công việc tự do.
Tại Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia các vấn đề bình đẳng giới và liên quan đến quyền lợi của lao động nữ nhằm phản biện xã hội dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), do Hội LHPNVN tổ chức ngày 2/8, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPNVN, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho biết: Về vấn đề sa thải lao động nữ ở độ tuổi 35 với tỷ lệ lớn thì Bộ trưởng LĐ-TB&XH khẳng định không xảy ra ở doanh nghiệp FDI mà chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp nhỏ, lẻ. “Dù ở doanh nghiệp nào, thậm chí chị em thôi việc thì đó cũng là đáng báo động. Số lao động nữ đó sẽ đi đâu, làm gì? Nếu họ có con thì con cái của họ sẽ thế nào? Đất nông nghiệp cũng đã được cơ giới hóa nên con đường quay về quê là rất khó khăn”, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong điều kiện Việt Nam thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 thì dự báo tỷ lệ lao động mất việc làm ở 2 ngành dệt may và da giày lên đến hơn 80%; trong khi đó 2 ngành này phần lớn là lao động nữ. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nêu vấn đề: Cần căn cứ vào những dự báo về việc thực hiện công nghệ 4.0 để có quy định cụ thể đối với lao động nữ giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp.
Đồng thời, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa đề xuất những quy định trong Chương X, những quy định riêng với lao động nữ - Bộ luật Lao động 2012, cần sửa đổi, thiết kế cụ thể, không nên chung chung là “tạo điều kiện”, “có biện pháp tạo việc làm”, “mở rộng nhiều loại hình”, “bảo đảm thực hiện bình đẳng giới”…, nhưng lại không đưa vào giải thích từ ngữ.
Đặc biệt cần có những quy định cụ thể để đào tạo lại cho lao động nữ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế số, “tránh tình trạng khi áp dụng công nghệ mới, phụ nữ là người đầu tiên và đa số bị bỏ ra ngoài”, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh.
Cũng quan tâm tới quyền và lợi ích chính đáng của lao động khu vực phi chính thức, PGS.TS Lê Thị Hoài Thu, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Theo thống kê, quy mô của lao động khu vực phi chính thức với trên 18 triệu người. Đặc điểm dễ nhận thấy là việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc kéo dài, không có hợp đồng lao động hoặc không được đóng BHXH, BHYT…
Theo bà Hoài Thu, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, cần bổ sung một số quy định nhận diện rõ hơn về cưỡng bức lao động, phân biệt đối xử tại nơi làm việc, quấy rối tình dục tại nơi làm việc để phòng ngừa, nhận diện nghi phạm và xử lý tốt vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Cần nghiên cứu, sửa đổi Điều 160 Bộ luật Lao động năm 2012 theo hướng không nên ban hành danh mục công việc mà lao động nữ không được làm, vì sẽ làm cản trở cơ hội việc làm của họ. Thay vào đó, pháp luật cần quy định cụ thể điều kiện, môi trường làm việc cũng như các trang thiết bị bảo hộ cá nhân, trên cơ sở đó, người lao động nữ vẫn có thể làm việc được trong môi trường lao động đặc thù.
Đồng thời, mở rộng các chế độ trong BHXH tự nguyện để người lao đông phi chính thức tham gia và được hưởng bình đẳng quyền lợi về chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động như BHXH bắt buộc.