Đề thi cuối kỳ lớp 5 ở Nghệ An khiến trẻ “khóc như mưa”

24/05/2017 - 17:40
Không chỉ đề Toán khiến học sinh “khóc như mưa” vì không làm được bài, đề thi cuối kỳ lớp 5 môn tiếng việt của HS ở TP.Vinh, Nghệ An cũng được cho là đánh đố, làm khó học sinh.

Học sinh giỏi cũng bó tay với đề Toán

Mới đây, đề thi cuối học kỳ dành cho học sinh lớp 5 do Phòng GD&ĐT thành phố Vinh ra khiến phụ huynh và mạng xã hội bức xúc.

Theo các giáo viên dạy Toán, đề thi của Phòng GD&ĐT thành phố Vinh, Nghệ An dành cho lớp 5 phù hợp trình độ học sinh lớp 6. Nhiều em đã "khóc như mưa" vì không làm được bài.

 Hai câu hỏi được cho là quá khó với học sinh lớp 5 gây tranh cãi

Đề thi này gồm 10 câu hỏi, trong đó có 6 câu trắc nghiệm và 4 tự luận. Học sinh làm bài trong 40 phút. Câu số 9 và 10 được đánh giá khó nhất.

Thầy giáo Quốc Anh, giáo viên dạy Toán, nhận định, câu 9B và câu 10 đòi hỏi nhiều phép biến đổi trung gian phức tạp (đặc biệt câu 10 nặng về kiến thức lớp 6, nếu ép về kiến thức lớp 5 thì quá dài).

Theo thầy, câu 9 (phần b) về tính diện tích tứ giác gián tiếp thông qua so sánh diện tích hình tam giác khá khó, vượt mức 4 đại trà. Riêng câu 10 là “khó, vượt chương trình, nặng về kiến thức lớp 6".

Để giải đề, cách giải phải dùng đến kiến thức chưa phù hợp ở tiểu học, không thể dùng để kiểm tra định kỳ.

“Đề dài, một số câu hỏi lắt léo, khó phân loại học sinh. Thời gian 40 phút không đủ để học sinh suy nghĩ và trình bày cẩn thận. Đề mang tính cá nhân của nhóm ra đề hơn là tính thiết thực trong việc kiểm tra kiến thức. Những học sinh giải nhất cuộc thi Toán thành phố cũng có thể bỏ cả hai ý này” – theo nhận định của thầy Quốc Anh.

Một số giáo viên khác băn khoăn về việc ai đã kiểm duyệt một đề thi quá khó như thế này. Bởi rất có thể, người kiểm duyệt hoặc là chưa bao giờ dạy học, hoặc là không nắm được chương trình của học sinh.

Đề tiếng Việt cũng đánh đố

Không chỉ đề Toán, theo một số giáo viên, đề thi tiếng Việt cũng có nhiều câu hỏi mang tính đánh đố, làm khó học sinh.

Theo ý kiến của một số giáo viên tại TP.Vinh, Nghệ An, đề tiếng Việt cũng chẳng khác gì đề toán. Học sinh lớp 5 không được học câu ghép cũng như quan hệ từ, văn cảm thụ nhưng đề tiêng Việt chủ đạo là các vấn đề đó.

Ngoài ra, đề chủ yếu là cảm thụ văn. Không có các kiến thức lớp 5 như từ đồng nghĩa, đồng âm, nhiều nghĩa...

Đặc biệt phần tập làm văn cũng khó cho những em chưa khi nào có người thân đi xa trở về nên đành tả bạn hoặc thầy cô đi xa.

Đề thi cuối học kì của học sinh lớp 5 TP Vinh (Nghệ An) cũng khó không kém đề thi môn toán 
 


Cụ thể, ở phần chính tả và tập làm văn của đề như sau:

“Sau nhiều ngày xa cách, em được gặp lại người thân. Hãy tả lại hình ảnh người thân của em trong phút giây được gặp lại ấy”.

Cô Nguyễn Thị Hải, - giáo viên tiểu học ở TP.Vinh, Nghệ An cho biết, đề đánh đố ở cả bối cảnh lẫn đối tượng “người thân”.

“Nếu các em chưa gặp lại người thân nào hoặc chưa từng rơi vào hoàn cảnh chia xa và gặp lại người thân, các em có thể làm được bài hay không? Hơn nữa, khái niệm “người thân” cũng dễ bị lạc đề do các em có thể liên hệ với bạn thân hoặc thầy cô giáo của các em” – cô Hải nêu ý kiến.

Theo cô Hải, đề quá khiên cưỡng, bó buộc vào một hoàn cảnh, một tình huống không phổ biến, khó phát huy được sự sáng tạo và trí tưởng tượng của các em, gây khó cho các em khi làm bài.

Minh Nguyệt – học sinh lớp 6 trường THCS Đặng Thai Mai, một học sinh với học lực giỏi, khi đọc đề Toán và Tiếng Việt cũng phải thốt lên rằng: “Thật thương cho các em lớp 5 và thật may cho cháu vì cháu đã vượt qua giai đoạn cuối cấp này rồi!”.

Phòng GD&ĐT TP.Vinh nói gì?
Ngày 24/5, phòng GD&ĐT TP.Vinh phản hồi về việc các đề thi cuối kỳ lớp 5 quá khó. Theo cơ quan này, kết quả kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 5 như trên đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan, phân hóa được học sinh. Tuy nhiên, đây là năm học đầu tiên đề kiểm tra được ra theo ma trận, đề kiểm tra môn Toán lớp 5 còn khó (câu 9b, câu 10) so với yêu cầu của đề kiểm tra định kỳ và đại trà.
Trước sự việc này, Phòng GD&ĐT TP. Vinh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong tổ chức và chỉ đạo kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 5 sát đúng với thực tế của thành phố hơn để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của thành phố trong những năm tiếp theo. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm