Đề xuất 3 phương án tạm dừng đóng BHXH hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do Covid-19

PV
30/03/2020 - 15:34
Đề xuất 3 phương án tạm dừng đóng BHXH hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do Covid-19
Chuẩn bị nội dung cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, diễn ra ngày mai 31/3, trong đó, Bộ LĐ-TB&XH nêu ra 3 phương án tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến ngày càng phức tạp, tạo nhiều áp lực, khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp cũng như gia tăng tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp. Tính từ đầu năm đến 26/3/2020, có trên 153 ngàn người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như vận tải, dệt may, da giày, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống…

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có 3 phương án trình Chính phủ xem xét, nới lỏng điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Phương án 1: Người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, dẫn đến giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trở lên (kể cả lao động ngừng việc) so với thời điểm tháng liền kề tháng công bố dịch thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian tạm dừng đóng từ tháng công bố dịch đến tháng 6/2020 (hoặc tháng công bố hết dịch.

Ước tính nếu thực hiện cho khoảng 1 đến 1,5 triệu lao động, tương ứng với 35 - 52 ngàn doanh nghiệp trong vòng 5 tháng, số tiền được tạm dừng và miễn lãi chậm đóng khoảng từ 6,9 - 10,3 ngàn tỷ đồng.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết hiện nay nay, cả nước có khoảng 25 triệu lao động làm công hưởng lương, trong đó có 11 triệu lao động trong doanh nghiệp tham gia BHXH, 1,4 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Phương án 2: Cho phép tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với tất cả đơn vị sử dụng lao động có lao động bị giảm 50% doanh thu so với trước thời điểm công bố dịch; dự kiến kinh phí thực hiện cho khoảng 6 - 6,5 triệu lao động, tương ứng với 209 - 226 ngàn doanh nghiệp, trong vòng 5 tháng, số tiền dừng đóng và miền lãi chậm đóng khoảng từ 41,2 - 44,7 ngàn tỷ đồng.

Phương án 3: Cho phép tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với tất cả đơn vị sử dụng lao động có lao động bị mất việc làm hoặc ngừng việc do ảnh hưởng bởi dịch trong các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất (các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch). Nếu theo phương án này, số tiền dừng đóng và miễn lãi chậm đóng khoảng từ 30,9 - 34,4 ngàn tỷ đồng.

Đề xuất 3 phương án tạm dừng đóng BHXH hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 - Ảnh 2.

Từ đầu năm đến 26/3/2020, có trên 153 ngàn người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh minh họa

Đánh giá về 3 phương án nêu trên, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, phương án 1 được cho là khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay vì nó kế thừa quy định hiện hành tại Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP; và nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp.

Qua đó, Bộ này đề xuất với Chính phủ đồng ý áp dụng phương án này và ban hành Nghị quyết cho phép: "Người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, dẫn đến giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trở lên (kể cả lao động ngừng việc) so với thời điểm tháng liền kề tháng công bố dịch thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian có dịch nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể về điều kiện, thời gian, thủ tục, hồ sơ thực hiện việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian có dịch".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm