Doanh nghiệp được tạm dừng đóng BHXH, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng thế nào?

PV
23/03/2020 - 13:03
Doanh nghiệp được tạm dừng đóng BHXH, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng thế nào?
Như Báo PNVN đã phản ánh, doanh nghiệp có trên 50% người lao động bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19 sẽ được tạm dừng đóng BHXH, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí và tử tuất. Điều người lao động quan tâm là với chính sách này, quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp bị đình trệ; kéo theo đó là số người lao động mất việc làm gia tăng. Trao đổi với báo giới, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Ngày 18/3, Bộ đã hoàn thiện Đề án tổng thể với 6 nội dung chính để trình Chính phủ. Trong đó, triển khai hướng dẫn việc tạm dừng đóng BHXH, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí và tử tuất.

Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp có số lao động tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH trở lên lập hồ sơ đầy đủ, kịp thời làm căn cứ tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định.

Đối với những doanh nghiệp mức sản xuất kinh doanh giảm thu 50% có thể áp dụng ngay chính sách này. Hỗ trợ thông qua việc tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất và bảo hiểm thất nghiệp tương đương với số tiền 150.000 tỷ đồng.

Đồng thời tạo điều kiện người lao động có khả năng thích ứng trong giai đoạn đầu, nhất là chuyển đổi công việc, giải quyết vấn đề tạm ngưng việc lúc ban đầu. Cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua những khó khăn để tái tạo lại sản xuất kinh doanh.

Tuy vậy, đông đảo người lao động rất quan tâm chính sách này sẽ tác động thế nào đến quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, cũng như quyền lợi và quá trình đóng hưởng BHXH của người lao động. Theo ông Đào Ngọc Dung: "Quỹ bảo hiểm để hỗ trợ cho người lao động trong thời gian mất việc không ảnh hưởng gì đến tình hình việc làm hiện tại". Việc hỗ trợ của bảo hiểm nhằm hỗ trợ cho người lao động trong lúc khó khăn, đặc biệt là trong thời gian mất việc, và có khả năng tái tạo việc làm mới, khi phục hồi tiếp tục quay trở lại sản xuất.

Doanh nghiệp được tạm dừng đóng BHXH sẽ ảnh hưởng quyền lợi người lao động ra sao? - Ảnh 1.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (thứ 2 phải qua), thăm và kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại một công ty ở Thái Nguyên

Ông Đào Ngọc Dung nêu quan điểm: Việc tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất, chúng ta cần mạnh dạn mở rộng đối tượng, mở rộng hơn cho các doanh nghiệp, mở rộng hơn đối với người lao động.

Về bảo hiểm thất nghiệp với 3 hỗ trợ:

Một là, tạm dừng đóng BHXH từ tháng 3 đến tháng 12/2020.

Hai là, miễn đóng cho tất cả những người mất việc, ngừng việc và không có việc do ảnh hưởng của Covid-19.

Ba là, giải quyết toàn bộ phần hỗ trợ trở lại cho doanh nghiệp, để đào tạo nghề, chuyển đổi công việc cho người lao động.

Doanh nghiệp được tạm dừng đóng BHXH sẽ ảnh hưởng quyền lợi người lao động ra sao? - Ảnh 2.

Người lao động thiếu việc làm do ảnh hưởng dịch Covdi-19 rất cần có những chính sách hỗ trợ, đảm bảo cuộc sống. Ảnh minh họa

Bên cạnh chính sách tạm dừng đóng BHXH, như Báo PNVN điện tử đã đưa, mới đây Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động. Ước tính số lao động bị ngừng việc là 250 - 500 ngàn người, tương ứng từ 17,6 đến 35 ngàn doanh nghiệp.

Cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm. Theo tính toán của Bộ này, số người lao động bị thôi việc là 100 đến 200 ngàn người (tương ứng với 7 đến 14 ngàn doanh nghiệp). Dự kiến số tiền doanh nghiệp phải vay để trả trợ cấp thôi việc từ 1 đến 2 ngàn tỷ đồng.

Đồng thời Bộ này cũng đề xuất hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp bị giải thể, phá sản và đề xuất chương trình tín dụng ưu đãi đối với người lao động và doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng, được vay vốn ưu đãi…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm