Đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào BHXH tự nguyện

16/05/2018 - 18:05
BHXH tự nguyện vẫn còn nhiều “dư địa” để phát triển số người tham gia. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, người dân chưa mặn mà với loại hình bảo hiểm này. Hiện nay mới chỉ khoảng 227 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (diễn ra từ 5 - 12/5/2018) góp ý về Đề án cải cách chính sách BHXH, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Hiện nay mới có khoảng 227.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà, một trong những nguyên nhân khiến người tham gia BHXH tự nguyện còn ít, là do loại hình bảo hiểm này mới chỉ bao gồm chế độ hưu trí và tử tuất. Trong đề án cải cách chế độ BHXH đã có bước tiến bộ khi xác định bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ từng bước mở rộng sang các chế độ khác.

“Tôi đồng tình với việc cần có các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt và đề nghị được triển khai sớm, đặc biệt cần ưu tiên bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện”, Chủ tịch Thu Hà đề xuất.

Việc người phụ nữ thực hiện trách nhiệm với xã hội trong duy trì nòi giống, được hưởng chế độ thai sản để chăm con giai đoạn đầu là rất quan trọng, góp phần vào phát triển thế hệ tương lai của đất nước, đồng thời qua quá trình mang thai và sinh con, phụ nữ cần được chăm sóc sức khỏe để hồi phục.

Theo Chủ tịch Hội LHPNVN, thực hiện chính sách này cũng sẽ góp phần cho trẻ em sinh ra đều có cơ hội được chăm sóc ngang nhau mà không phụ thuộc vào tính chất lao động hay nghề nghiệp của bố mẹ.

Chiều 16/5, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2018. Ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam, cho biết: Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đóng tiếp BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu.

Hiện có 30 triệu lao động chưa tham gia BHXH, đồng nghĩa với việc "dư địa" phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện là rất lớn. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2017 chỉ hơn 220.000 người, chiếm 0,24% lực lượng lao động. Tổng chung cả BHXH bắt buộc và tự nguyện năm 2017 khoảng trên 25% lực lượng lao động. 

van-dong-tham-gia-bhxh-tu-nguyen.jpg
Phổ biến, tuyên truyền chính sách BHXH tới các xã phường, thị trấn (ảnh minh họa)
 

Người dân chưa quan tâm đến loại hình BHXH tự nguyện, theo ông Mai Đức Thắng, nguyên nhân chủ yếu là thu nhập của người dân còn thấp, không ổn định, không thường xuyên và do trước ngày 1/1/2018 chưa được Nhà nước hỗ trợ mức đóng.

Bên cạnh đó, người dân chưa có thói quen tham gia BHXH tự nguyện lúc trẻ để hưởng lương hưu khi về già. Đặc biệt, quy định việc hỗ trợ mức đóng BHXH cho người tham gia chưa linh hoạt và phương thức đóng cũng chưa được linh hoạt như nhiều người muốn truy đóng BHXH tự nguyện thời gian trước nhưng không thực hiện được.

Chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn người tham gia, cụ thể: Chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất (chưa được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghệ nghiệp). Thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu phải từ đủ 20 năm trở lên và có tuổi đời 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ mới được hưởng lương hưu là quá dài.

Bên cạnh đó, mức đóng còn cao so với thu nhập bình quân của người dân (thu nhập có hạn, ngoài tiền đóng BHXH tự nguyện, còn phải trang trải, chi tiêu cho việc sinh hoạt cấp thiết hàng ngày khác như tiền ăn, ở, đi lại, học phí cho con em,…)

Qua đó, đại diện BHXH Việt Nam đề nghị Quốc hội tiếp tục bổ sung sửa đổi Luật BHXH để mở rộng chế độ hưởng BHXH tự nguyện khi thu nhập của người dân được nâng lên; cho phép người tham gia BHXH tự nguyện được truy đóng BHXH tự nguyện cho thời gian về trước...

Đồng thời, nâng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện và đưa mức hỗ trợ tiền đóng vào quy định trong luật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm