Đề xuất chính sách nâng cao năng lực số của phụ nữ dân tộc thiểu số

Khánh An
16/07/2025 - 12:27
Đề xuất chính sách nâng cao năng lực số của phụ nữ dân tộc thiểu số

Phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin qua điện thoại thông minh

Quá trình thích ứng và tiếp cận các nền tảng truyền thông số như Zalo, Facebook, TikTok của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam diễn ra nhanh. Tuy nhiên, những rào cản đối với họ là thiếu thiết bị, kỹ năng số hạn chế, ngôn ngữ và nội dung truyền thông chưa phù hợp với đặc thù văn hóa.

Bước chuyển tiếp cận thông tin

Nghiên cứu "Tác động của truyền thông số đối với khả năng tiếp cận và phản hồi thông tin của phụ nữ dân tộc thiểu số" của PGS.TS Phạm Hương Trà (Khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và TS. Lê Nguyễn Phương Thảo (Đại học Khoa học Huế) cho thấy: Từ năm 2020, hành vi tiếp cận và phản hồi thông tin của phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) tại miền núi, vùng sâu và vùng xa ở Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể. 

Trong khi các hình thức truyền thông truyền thống như loa phát thanh và họp thôn vẫn được duy trì, các nền tảng truyền thông số như Zalo, Facebook, TikTok và Google ngày càng phổ biến, nhờ khả năng cung cấp thông tin linh hoạt và nhanh chóng.

Dẫn số liệu rà soát của Hội LHPN Việt Nam năm 2024, PGS.TS Phạm Hương Trà và TS. Lê Nguyễn Phương Thảo cho biết, hơn 8.600 "Tổ truyền thông cộng đồng" đã được thiết lập trên cả nước, thu hút gần 370.000 lượt tiếp cận thông tin thông qua kết hợp các nền tảng số và tương tác trực tiếp. 

Các tổ này cung cấp kiến thức về quyền phụ nữ, sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới, đào tạo kỹ năng số cơ bản, góp phần tăng cường năng lực phản hồi và trao đổi thông tin giữa người dân và chính quyền.

Cần tăng cường đào tạo kỹ năng số cho phụ nữ DTTS

Theo các chuyên gia, các rào cản văn hóa như kiểm soát thông tin trong gia đình và hạn chế trong sử dụng ngôn ngữ tiếp tục làm giảm hiệu quả truyền thông số. Việc thiếu thông tin được bản địa hóa dẫn đến tình trạng "vô hình truyền thông" khi người tiếp nhận tuy hiện diện nhưng không thể hiểu, phản hồi hoặc tương tác hiệu quả với thông điệp truyền thông.

Vì vậy, nghiên cứu của PGS.TS Phạm Hương Trà và TS. Lê Nguyễn Phương Thảo khuyến nghị cần có chính sách nâng cao năng lực tiếp cận và sử dụng truyền thông số của phụ nữ DTTS. Cụ thể: Đối với cơ quan quản lý nhà nước, trước hết, cần nâng cấp hạ tầng viễn thông và mở rộng kết nối Internet tại vùng sâu, vùng xa, đồng thời hỗ trợ tài chính nhằm giúp phụ nữ DTTS tiếp cận thiết bị số. 

Cần tổ chức đào tạo kỹ năng số gắn với nhu cầu thiết thực như sinh kế, y tế, giáo dục, với nội dung dễ hiểu, trực quan, phù hợp với trình độ và ngữ cảnh văn hóa của từng nhóm dân tộc. Đồng thời cần kiểm duyệt và định hướng nội dung số nhằm nâng cao chất lượng thông tin, giảm thiểu tin giả, thúc đẩy nội dung giáo dục và nâng cao nhận thức của chị em.

Bên cạnh đó, Hội LHPN Việt Nam cần tiếp tục mở rộng quy mô và phạm vi các chương trình đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin cho phụ nữ DTTS, đặc biệt tại những địa phương còn gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ. 

Các lớp học nên lồng ghép nội dung về sử dụng thiết bị với các chính sách xã hội thiết thực nhằm tăng cường năng lực phản hồi thông tin chính sách và nâng cao tính chủ động trong tương tác số. 

Ngoài ra, cần xây dựng các nhóm Zalo, Facebook chuyên biệt cho từng cộng đồng dân tộc thiểu số nhằm tạo ra không gian trao đổi thông tin hai chiều hiệu quả, phù hợp với đặc thù văn hóa và ngôn ngữ từng vùng miền.

Các cơ quan báo chí, đặc biệt ở địa phương, cần chủ động xây dựng và lan tỏa nội dung phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của đồng bào DTTS; ưu tiên định dạng dễ tiếp cận như video ngắn, infographic song ngữ (tiếng Việt - tiếng dân tộc) để tăng khả năng tiếp nhận và ghi nhớ thông tin của công chúng...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm