Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho phụ nữ dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cấp bách

Trường Lê (thực hiện)
09/07/2025 - 23:06
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho phụ nữ dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cấp bách

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho phụ nữ dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cấp bách

Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam thực hiện phỏng vấn ThS. Trần Thanh Thủy, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, về thực trạng và giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong cộng đồng phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực phía Nam hiện nay.

PV: Thưa Thạc sĩ, bà đánh giá như thế nào về vai trò và tầm quan trọng của công nghệ thông tin đối với phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực phía Nam trong giai đoạn hiện nay?

ThS. Trần Thanh Thủy: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và điện toán đám mây, internet vạn vật đã tạo ra những thay đổi sâu rộng về kỹ thuật, kinh tế – xã hội và phương thức làm việc. 

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) góp phần xây dựng môi trường tương tác mới, mở rộng không gian – thời gian và nguồn học liệu cho xã hội.

Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao năng lực số cho phụ nữ, quản lý báo chí, xuất bản và phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ cấp thiết. Hội cũng cần chủ động phối hợp xử lý thông tin sai lệch, bảo vệ sự phát triển lành mạnh của phụ nữ trong bối cảnh không gian mạng ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ.

Ngoài ra, CNTT giúp mở rộng mạng lưới kết nối, hỗ trợ phụ nữ – đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa – chia sẻ, học hỏi và đồng hành cùng nhau trong cuộc sống.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho phụ nữ dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cấp bách- Ảnh 1.

ThS. Trần Thanh Thủy

 PV: Vậy thực trạng về khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực phía Nam hiện nay đang gặp những khó khăn gì, thưa bà?

ThS. Trần Thanh Thủy: Qua nghiên cứu và khảo sát thực tiễn tại các địa phương, tôi nhận thấy khả năng tiếp cận CNTT của phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực phía Nam đang đối mặt với ba vấn đề chính.

Thứ nhất là hạn chế về cơ sở hạ tầng. Ở nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa như Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau (cũ), cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa phát triển đầy đủ. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet tại các vùng này chỉ đạt khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với các khu vực thành thị. 

Điều này dẫn đến mạng yếu, thiếu thiết bị công nghệ và dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ, khiến phụ nữ dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ.

Thứ hai là thiếu kiến thức và kỹ năng CNTT. Trình độ văn hóa của nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tại đây còn hạn chế do điều kiện giáo dục chưa đầy đủ, quan niệm truyền thống coi trọng vai trò nội trợ và lao động hơn học tập. 

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho phụ nữ dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cấp bách- Ảnh 2.

Dự thảo thông tin đề ra mục tiêu đầu tư tại mỗi xã 1 điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: VGP

Các chương trình đào tạo CNTT dành riêng cho phụ nữ dân tộc thiểu số còn rất ít và thường không phù hợp với trình độ, điều kiện của họ. Nhiều khóa học lại sử dụng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, trong khi phụ nữ dân tộc thiểu số còn hạn chế về khả năng sử dụng các ngôn ngữ này.

Thứ ba là sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ. Các phong tục, tập quán và quan niệm truyền thống trong cộng đồng đôi khi cũng cản trở việc chấp nhận và sử dụng công nghệ mới. Ngôn ngữ dân tộc và khoảng cách văn hóa là rào cản lớn đối với các chương trình đào tạo, tiếp cận thông tin và ứng dụng CNTT trong đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số.

PV: Với những khó khăn, thách thức đó, bà có thể chia sẻ một số khuyến nghị, giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng CNTT cho phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực phía Nam?

ThS. Trần Thanh Thủy: Để thúc đẩy ứng dụng CNTT trong đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực phía Nam, tôi cho rằng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước tiên là phát triển cơ sở hạ tầng CNTT. Đầu tư xây dựng hệ thống cáp quang, trạm phát sóng di động ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa là cần thiết. Đồng thời, triển khai các chương trình trợ giá thiết bị, dịch vụ internet và chương trình thu gom, sửa chữa, tái chế thiết bị công nghệ từ thành thị để phân phối lại cho người dân với chi phí thấp.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho phụ nữ dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cấp bách- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Tiếp đến là tăng cường đào tạo các khoá học với chủ đề gắn liến với ứng dụng công nghệ theo hình thức trực tuyến ngắn hạn, linh hoạt. Các chương trình đào tạo từ xa có thể hướng tới các nội dung liên quan tới kỹ năng công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và kinh doanh trực tuyến, phù hợp với điều kiện thực tế của các tỉnh như Sóc Trăng, Trà Vinh (cũ). 

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn mở rộng thị trường và kết nối với khách hàng cả nước.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thông qua các kênh truyền thông địa phương, mạng xã hội phù hợp văn hóa, tổ chức sự kiện để phụ nữ trải nghiệm công nghệ.

Cuối cùng, Hội LHPN Việt Nam cần đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt, kết nối và giám sát thực hiện các chương trình này, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ để đảm bảo giải pháp triển khai toàn diện và hiệu quả.

PV: Từ thực tiễn và những giải pháp vừa nêu, bà có nhận định gì về triển vọng ứng dụng CNTT cho phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực phía Nam trong thời gian tới?

ThS. Trần Thanh Thủy: Công nghệ thông tin đóng vai trò then chốt trong phát triển đất nước và mở rộng mạng lưới các tổ chức chính trị – xã hội. Chuyển đổi số tại Việt Nam đang được đẩy mạnh với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các tổ chức như Hội LHPN Việt Nam.

Dù vậy, khó khăn về hạ tầng, nguồn lực và sự khác biệt văn hoá vùng miền vẫn là thách thức lớn. Đây cũng là cơ hội để Hội tiếp tục nâng cao năng lực số cho phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực phía Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ công cuộc hiện đại hóa.

Nếu triển khai đồng bộ, CNTT sẽ trở thành công cụ hiệu quả giúp phụ nữ cải thiện đời sống, phát triển kinh tế bền vững và đóng góp vào sự phát triển đất nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm