pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã biên giới A Bung: Khởi sắc nhờ tận dụng công nghệ thông tin

Các chị em phụ nữ A Bung mặc áo dài bằng vải thổ cẩm của địa phương
Tổ hợp tác tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập, giữ gìn bản sắc văn hóa thông qua việc tận dụng công nghệ thông tin.
Thay đổi tư duy và năng động sản xuất
Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm A Bung được thành lập cách đây 3 năm. Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo địa phương, sự hỗ trợ đào tạo tập huấn của tổ chức Hội phụ nữ, sự đầu tư về trang thiết bị như máy may, khung dệt cùng nguyên liệu ban đầu của các tổ chức nhân đạo, đã giúp tổ hợp tác hoạt độngthuận lợi. Bên cạnh đó, các thành viên còn được đào tạo về kỹ thuật dệt, cắt may và tiếp thị sản phẩm.
Chị Hồ Thị Chưa, tổ trưởng của tổ hợp tác, người có thâm niên làm nghề … năm, khẳng định: "Tôi đi học nghề dệt thổ cẩm từ năm 17 tuổi, trở về hướng dẫn lại cho các chị em, nhưng vẫn chỉ là các sản phẩm quen thuộc. Giờ đây, chúng tôi làm được nhiều loại sản phẩm hơn, đưa nghề truyền thống trở nên gần gũi hơn với đời sống".

Caravat thổ cẩm là một sản phẩm có nhiều đơn đặt hàng
Trước đây nghề dệt thổ cẩm xã A Bung làm ra chủ yếu tự cung, tự cấp phục vụ trong gia đình. Qua thời gian, nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ Pa Kô xã A Bung dần mai một, chỉ còn lại khoảng hơn 10 hộ biết dệt thổ cẩm cơ bản. Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm A Bung không chỉ sản xuất các sản phẩm truyền thống mà còn chú trọng phát triển đa dạng sản phẩm mới. Những sản phẩm dệt thổ cẩm giờ đây không chỉ phục vụ người Pa Kô mà còn mở rộng sang trang phục truyền thống của người Vân Kiều. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, các thành viên đã có thể dệt và may nhiều sản phẩm sử dụng hàng ngày như áo ghi lê, cà vạt, túi xách, mũ… Vì vậy giúp phục vụ nhu cầu khách hơn tốt hơn, đa dạng hoá khách hàng, và khiến nghề dệt trở nên hấp dẫn hơn đối với thế hệ trẻ.
Trước đây, việc dệt thổ cẩm chủ yếu diễn ra tại nhà, năng suất thấp và thiếu sự liên kết giữa các nghệ nhân. Với mô hình tổ hợp tác, các thành viên đã thay đổi tư duy, trở nên năng động hơn trong sản xuất, vừa tạo năng suất cao hơn, vừa sáng tạo nhiều sản phẩm phong phú. Bình quân, mỗi tấm vải thổ cẩm hoàn thành trong 3-5 ngày, có giá bán từ 400-600 ngàn đồng, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên.
Ứng dụng công nghệ thông tin
Được tập huấn, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi quy trình hoạt động của tổ hợp tác giúp nghề dệt thổ cẩm truyền thống khởi sắc ở A Bung.
Khi áp dụng phần mềm quản lý vào quy trình sản xuất, các thành viên có thể ghi chép số lượng nguyên liệu, sản phẩm hoàn thành và chi phí, giúp tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu lãng phí.

Mẫu áo cưới thổ cẩm được nhiều cô dâu lựa chọn
Sử dụng mạng xã hội như Facebook và Instagram, tổ hợp tác đã quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm đến đông đảo khách hàng. Họ chia sẻ hình ảnh sản phẩm, câu chuyện văn hóa và kết nối với những người yêu thích thổ cẩm, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn có cơ hội xuất khẩu.
Chị Hồ Thị Nghim, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã A Bung, cho biết: "Các thành viên trong Tổ hợp tác chúng tôi đề cao không ngừng học hỏi, ứng dụng công nghệ, máy móc, công nghệ thông tin vào cải tiến sản phẩm, quảng bá sản phẩm tới khách hàng nên chúng tôi tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, chủ động bán hàng chứ không ngồi chờ khách hàng tìm đến. Hiện tại, chúng tôi luôn có đủ đơn hàng, thỉnh thoảng phải từ chối một vài đơn hàng vì không đảm bảo tiến độ. Bước đầu, nhờ sự giới thiệu của Hội LHPN tỉnh Quảng Trị, sản phẩm của chúng tôi đã đến với khách hàng ở Mỹ".
Ngoài các lớp tập huấn trực tiếp, tổ hợp tác còn áp dụng các hình thức đào tạo trực tuyến để nâng cao kỹ năng dệt và may cho các thành viên, giúp họ dễ dàng tiếp cận kiến thức mới, phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Nhờ vào việc ứng dụng công nghệ, các sản phẩm dệt thổ cẩm A Bung ngày càng được ưa chuộng, trở thành các sản phẩm có thể sử dụng thường xuyên hơn trong đời sống hàng ngày. Trong các dịp lễ hội, ngày càng nhiều cán bộ và Nhân dân ở các xã lân cận đã dần quen mặc trang phục dệt thổ cẩm xã A Bung. Lãnh đạo địa phương chỉ đạo thực hiện cán bộ, công chức xã mang đồng phục dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình vào sáng thứ 2 hằng tuần; đối với các trường học trên địa bàn thì mặc đồng phục trang phục dệt thổ cẩm truyền thống vào ngày thứ 4 hằng tuần.
Chính quyền xã A Bung đã có kế hoạch mở rộng mô hình tổ hợp tác dệt thổ cẩm, đồng thời khuyến khích các nghệ nhân tham gia truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Điều này không chỉ giúp cải thiện sinh kế cho phụ nữ mà còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống.
Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm A Bung là một mô hình thành công trong việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin, tổ hợp tác đã giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm bền vững, nâng cao đời sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Sự khởi sắc của tổ hợp tác cho thấy sức mạnh của sự đổi mới và sáng tạo trong phát triển kinh tế địa phương, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Pa Kô và Vân Kiều.