pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ người Dao Họ ở Lào Cai chung tay bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm
Nghề dệt thổ cầm của người Dao Họ ở Lào Cai được phụ nữ gìn giữ và phát huy
Đến làng Khe Mụ, xã Sơn Hà (Bảo Thắng, Lào Cai), chúng tôi bắt gặp nhiều chị em ngồi dệt thổ cẩm. Với những thao tác rất thuần thục, nhiều chị em cần mẫn dệt nên những tấm vải truyền thống. Cùng với phụ nữ lớn tuổi ngồi dệt vải, thi thoảng chúng tôi bắt gặp những em nhỏ ngồi cạnh khung dệt cùng những người bà, người mẹ để được truyền dạy những kinh nghiệm, kỹ năng dệt vải và thêu thùa hoa văn trên nền vải thổ cẩm.
Bà Lý Thị Luận, ở thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà, cho biết: "Hiện nhiều phụ nữ lớn tuổi không còn đủ sức đi làm ruộng, làm nương nên ở nhà dệt vải và may trang phục truyền thống. Sản phẩm làm ra vừa để dùng trong gia đình, vừa bán ra ngoài, tạo thêm nguồn thu nhập. Trung bình mỗi tháng, chúng tôi thu được từ 3-4 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ so với mức thu nhập của người dân ở thôn".
Để giúp người dân có thêm kỹ năng, kinh nghiệm dệt, năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai đã cử cán bộ chuyên môn về phối hợp với Hội LHPN xã Sơn Hà tổ chức chương trình phục dựng và truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho phụ nữ người Dao Họ ở xã Sơn Hà. Sau một thời gian thực hiện chương trình phục dựng và bảo tồn nghề dệt, nhiều phụ nữ người Dao Họ ở Lào Cai đã tích cực thực hiện việc phục dựng, bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm, may thêu trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Cụ thể, chị em phụ nữ người Dao Họ nơi đây đã thành lập các tổ nhóm, cùng nhau trao truyền các kỹ năng, kinh nghiệm trồng bông, trồng chàm, xe sợi, dệt vải và may thêu trang phục truyền thống cho các thành viên trong gia đình; phát triển thành ngành hàng truyền thống để phục vụ cộng đồng, cũng như thị trường du lịch.
Thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm cho nhiều phụ nữ
Bà Đặng Thị Tách, ở xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, chia sẻ: "Được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, sự động viên của Hội LHPN xã, chị em người Dao Họ đã tích cực dệt vải, may thêu các sản phẩm thành các mặt hàng lưu niệm bán ra thị trường cho khách du lịch. Từ đó tạo thêm việc làm và thu nhập cho chị em. Kể từ khi tham gia phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đã tạo ra sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm cho nhiều chị em. Nhiều người còn chủ động thu gom hàng hóa may thêu của người Dao Họ trong thôn, đi bán ở các làng người Dao khác. Điều này không chỉ giúp sản phẩm làm ra có thêm thị trường, mà góp phần giúp em chị năng động, nhạy bén hơn trong phát triển kinh tế gia đình".
Cùng với gom hàng bán ra thị trường, hầu hết sản phẩm dệt của phụ nữ người Dao Họ nơi đây được bán cho các đầu mối lớn. Theo bà Hoa Phương Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Hà, việc sản xuất và lưu thông hàng hóa thổ cẩm của phụ nữ người Dao Họ ở địa phương cũng rất tiện lợi. Những đầu mối buôn bán lớn sẽ cung cấp nguyên liệu may thêu và đem đến tận bản làng bán cho chị em. Sau đó họ mua các sản phẩm do chị em sản xuất, tạo động lực cho chị em người Dao Họ gắn bó với nghề dệt.
Bà Lê Hải Thanh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Thắng cho biết: Thực hiện Đề án bảo tồn văn hóa giai đoạn 2020-2025, đặc biệt, sau khi nghề dệt của người Dao Họ huyện Bảo Thắng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, huyện đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng năm để triển khai thực hiện việc bảo tồn hiệu quả.
"Chúng tôi phát huy vai trò của những nghệ nhân để truyền dạy cho con cháu biết về trang phục truyền thống. Tổ chức hội diễn, hội thi tôn vinh những trang phục truyền thống từ cấp xã đến cấp huyện. Duy trì các mô hình câu lạc bộ bảo tồn trang phục, mẫu hoa văn, trang sức dân tộc truyền thống đặc trưng ở xã Sơn Hà, Phú Nhuận (Bảo Thắng)… Đưa nội dung mặc trang phục truyền thống vào trường học giúp học sinh thêm tự hào, hiểu biết nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc mình… nhằm chung tay bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của người Dao Họ", bà Thanh cho hay.
Trước những nỗ lực bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Dao Họ, ngày 4/4/2022 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch ký quyết định số 783/QĐ-BVHTTDL công nhận nghề dệt của người Dao Họ huyện Bảo Thắng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này đã tạo ra động lực và niềm tự hào rất lớn cho cộng đồng người Dao Họ ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.