Đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng là vô lý

09/07/2018 - 16:52
Trước đề xuất không tăng lương tối thiểu năm 2019 của giới chủ doanh nghiệp, đại diện của người lao động tại cuộc họp thứ 1 diễn ra chiều nay 9/7 của Hội đồng tiền lương Quốc gia quyết liệt phản bác và cho rằng đề xuất này là vô lý; cần phải tăng lương tối thiểu ít nhất 7%.

 Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng: “Đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng là điều vô lý”. Giả sử không tăng lương tối thiểu để bù đắp phần chi phí cho doanh nghiệp, thì phần năng suất lao động tăng lên, phần trượt giá cũng vẫn phải tính để điều chỉnh tăng lương tối thiểu cho người lao động.

Cụ thể, “ít nhất phải điều chỉnh tăng lương 4% cho phần trượt giá và tăng 3% cho phần năng suất lao động tăng lên. Như vậy phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng tăng ít nhất 7%”, ông Thọ khẳng định.

Ông Thọ cho biết thêm, trong phiên họp thứ nhất của Hội đồng tiền lương Quốc gia, phía đại diện VCCI cũng đưa ra đề xuất là không tăng lương tối thiểu vùng để nuôi dưỡng sức doanh nghiệp. Tuy vậy, ông Thọ cho rằng: Nếu năm 2019 không tăng lương tối thiểu thì năm tiếp nữa thì mức tăng sẽ phải rất cao để thực hiện cho được Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, là từ nay đến năm 2020, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.

Bên lề cuộc họp, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nêu quan điểm: Tiền lương tối thiểu trong những năm vừa qua mới đáp ứng khoảng 92% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng, còn phải tăng lương tối thiểu ít nhất khoảng 8% để tiền lương đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Như vậy mỗi năm phải đáp ứng ít nhất 4%.

Thứ 2, yếu tố tác động tới lương là CPI, mức trượt giá vào khoảng 4%. Ông Mai Đức Chính cho rằng, phía Tổng liên đoàn rất chia sẻ với doanh nghiệp, nhưng ít nhất năm nay, lương tối thiểu phải tăng từ 7% đến 8%. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người lao động, bởi họ chịu sự tác động rất lớn từ giá cả các mặt hàng thiết yếu như gạo, nước, điện….

tang-luong-toi-thieu.jpg

 

Trước đó, đại diện giới chủ doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: VCCI đã có nhiều buổi làm việc với hiệp hội các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Qua đó tập hợp ý kiến, kiến nghị của các chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động và tập hợp ý kiến để trình bày tại cuộc họp hội đồng này.

Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, đại bộ phận “các hiệp hội doanh nghiệp đều kiến nghị chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm nay”.

Lãnh đạo VCCI lý giải, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị chưa nên tăng lương tối thiểu vùng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dưỡng sức, nâng cao năng lực chi trả, dùng các kinh phí nếu có cho việc đào tạo, nâng cao năng lực tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu công việc, tăng năng suất lao động, từ đó tiếp tục tăng lương tối thiểu trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm