Đề xuất phương án kéo dài năm học, hỗ trợ học sinh khó khăn do Covid-19

Nhật Lam
28/08/2021 - 15:43
Đề xuất phương án kéo dài năm học, hỗ trợ học sinh khó khăn do Covid-19

Học sinh học online do giãn cách xã hội. Ảnh minh họa

Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND TPHCM đề xuất với Bộ GD&ĐT được kéo dài năm học 2021-2022. Một số tỉnh, thành phía Nam cũng đề nghị xem xét các giải pháp hỗ trợ học sinh khó khăn trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

TPHCM: Chỉ hơn 60% SGK chương trình mới được chuyển đến trường học

Thông tin tại Hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai phương hướng năm học mới 2021 - 2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 28/8, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn trước tình hình dịch bệnh căng thẳng.

Theo ông Đức, do tình hình dịch Covid-19, năm học 2021-2022 TPHCM triển khai năm học trực tuyến. Học sinh phổ thông học qua Internet, còn trẻ mầm non tựu trường muộn hơn. Riêng khối học sinh tiểu học sẽ bắt đầu năm học từ ngày 8/9, trong đó giáo viên có 10 ngày đầu tiên để hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học trên Internet cho học sinh, phụ huynh, nhất là với học sinh khối 1.

Để chủ động năm học mới an toàn, TPHCM cho biết chỉ đạo tiêm vaccine đầy đủ cho giáo viên, sẵn sàng khi trường học mở cửa trở lại, đồng thời tiến hành tiêm vaccine cho học sinh ở độ tuổi phù hợp, tuân thủ theo quy định của ngành Y tế.

Vấn đề vướng mắc lớn nhất hiện nay, theo ông Dương Anh Đức là công tác phát hành SGK chậm do giãn cách xã hội. "Đến nay, chỉ hơn 60% SGK theo chương trình GDPT mới được chuyển đến các trường. Thành phố đã chỉ đạo các địa phương tìm giải pháp phân phối sách sớm nhất cho học sinh tuỳ tình hình khu vực, đồng thời cung cấp SGK điện tử cho lớp 1-12 trên Internet và thông tin đến phụ huynh", ông Đức cho hay.

Cùng với đó, ngành giáo dục TPHCM chỉ đạo các trường nắm thông tin hoàn cảnh của học sinh để thống kê trường hợp khó khăn khi học trên Internet, từ đó có giải pháp hỗ trợ cụ thể như kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ tài chính, trang thiết bị học tập. Những học sinh này sẽ có phương pháp kiểm tra, đánh giá riêng khi có điều kiện học trực tiếp.

Đối với dạy học trực tuyến, Sở GD&ĐT phối hợp với Đài PT-TH triển khai phát sóng dạy trực tuyến. Nội dung giảng dạy ưu tiên hướng dẫn trẻ tự học và phụ huynh phối hợp cùng con, đặc biệt với lớp 1, lớp 2 và lớp cuối cấp.

Đồng thời, nghiên cứu chính sách miễn giảm học phí, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu; đặc biệt quan tâm đến giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT bị mất việc, mất thu nhập, giáo viên thuộc cơ sở giáo dục ngoài công lập cấp mầm non đang gặp khó khăn để kịp thời hỗ trợ.

Để triển khai hiệu quả năm học mới, ông Dương Anh Đức đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị. Trong đó, đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét phương án kéo dài năm học để đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt với khối lớp 1, lớp 2 và lớp 3. Đồng thời, xây dựng phương án hỗ trợ tài chính cho sinh viên, đặc biệt những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19

Hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn 

Đây là đề xuất của bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, liên quan đến hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đề xuất phương án kéo dài năm học, hỗ trợ học sinh khó khăn do Covid-19 - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MOET

Phát biểu tại Hội nghị, bà Quyên Thanh đề nghị Bộ GD&ĐT quyết liệt hơn trong việc phân cấp địa phương trong việc quyết định và xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, khả thi với từng cấp học đảm bảo chuẩn kiến thức cần thiết cần đạt, kiến thức nền tảng cốt lõi trong tình huống cấp bách và xây dựng ngân hàng đề thống nhất chung cho cả nước; trong đó có thang đo chuẩn kiến thức cơ bản phải đạt. Trên cơ sở đó, từng địa phương có thể quyết định tổ chức các kỳ thi. Đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT theo điều kiện đặc thù của từng địa phương.

Đặc biệt, bà kiến nghị Bộ GD&ĐT quan tâm đến vấn đề công bằng trong giáo dục, bởi sau dịch Covid-19, đối tượng ảnh hưởng nặng nề nhất là học sinh.

"Đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để có thể lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, có gói an sinh hỗ trợ tạo điều kiện cho tất cả học sinh; nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn được bảo vệ với phương châm không để trẻ em, học sinh nào bị bỏ lại phía sau, nhất là hậu Covid-19", bà Quyên Thanh nhấn mạnh.

Vĩnh Long là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có có gần 200.000 học sinh đến trường, trong đó học sinh hoàn cảnh khó khăn là trên 14.000 em. Số học sinh bị ảnh hưởng dịch Covid-19 (F0, F1, F2, trong khu cách ly phong tỏa) là 695 em.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm