pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề xuất tăng mức phạt hành vi quấy rối tình dục lên gần 27 lần
Tranh minh hoạ
Đề xuất mức phạt từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng
Thời gian vừa qua, những vụ việc liên quan đến quấy rối tình dục nơi công cộng vẫn gây nhức nhối trong dư luận. Đặc biệt, mức xử phạt người vi phạm hành vi này chỉ từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Mức phạt này được đánh giá là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Tháng 8/2018, chị L.A. có đơn tố cáo ông Tr., chuyên viên Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) có hành vi "hiếp dâm" mình ngay tại trụ sở làm việc. Cụ thể, khi chị đang ngồi một mình trong phòng làm việc thì ông Tr. từ phòng bên bất ngờ bước vào, khóa cửa và giở trò. Khi bị chị A. chống cự quyết liệt thì ông Tr. đã cắn, bóp cổ, cào cấu và bịt miệng không cho chị A. la lên. Một lúc sau, chị A. vùng thoát ra được và chạy ra khỏi phòng.
Công an huyện Triệu Phong vào cuộc điều tra và xác định ông Tr. dùng sức mạnh ôm, giữ và dùng tay sờ vào các vùng "nhạy cảm" của chị A. nhưng không nhằm mục đích thực hiện hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục mà chỉ nhằm mục đích trêu ghẹo, sàm sỡ. Hành vi của ông Tr. không đủ yếu tố cấu thành tội hiếp dâm nên cơ quan chức năng tiến hành phạt hành chính 200.000 đồng vì hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Vụ việc này khiến dư luận bức xúc, cho rằng mức phạt như vậy là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Một thời gian sau, dư luận Thủ đô cũng vô cùng bức xúc khi nữ sinh bị sàm sỡ, cưỡng hôn trong thang máy. Khoảng 22 giờ ngày 4/3/2019, tại thang máy chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), chị V. (20 tuổi, sinh viên) bị người đàn ông lạ mặt tên H. cưỡng hôn. Trong đêm hôm ấy, chị V. đã trình báo vụ việc với cơ quan chức năng. Công an quận Thanh Xuân xác định hành vi của H. không cấu thành tội phạm. Căn cứ vào khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, đối tượng H. chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền 200.000 đồng.
Vụ việc này chưa kịp lắng xuống thì ngày 31/7/2019, một người đàn ông 59 tuổi ở Hà Đông (Hà Nội) bị xử phạt 200 nghìn đồng vì 3 lần sờ ngực người phụ nữ đi chung xe buýt.
Đó là 3 trong số nhiều vụ việc liên quan đến các hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục đối với phụ nữ. Điều đáng nói, dù hành vi của những kẻ biến thái trên diễn ra ở mức độ, tính chất khác nhau nhưng đều có "mẫu số chung" là mức phạt 200 nghìn đồng.
Mới đây, Bộ Công an đã công bố Dự thảo Nghị định mới quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình (thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP) để lấy ý kiến đóng góp. Một trong những nội dung mới, đáng chú ý của dự thảo là mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trật tự công cộng.
Theo đó, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với các hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục, khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng. Đặc biệt, Dự thảo cũng liệt kê cụ thể tên của các hành vi quấy rối (sàm sỡ, quấy rối tình dục, khiêu dâm, kích dục), đặc biệt là nâng mức xử phạt hành chính tới hơn gần 27 lần so với quy định hiện hành.
Cần có hình phạt bổ sung
Đánh giá về mức phạt cho hành vi quấy rối tình dục, sàm sỡ, khiêu dâm, kích dục, nhiều người bày tỏ sự đồng tình với mức phạt hành chính khá cao. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần có thêm các hình phạt bổ sung thì mới tăng tính răn đe, giáo dục.
Trước đây, khi đánh giá về hành vi của đối tượng sàm sỡ nữ sinh trong thang máy chung cư Golden Palm, TS. Khuất Thu Hồng nhận định, đó là hành vi tấn công tình dục. "Việc xử phạt quá nhẹ như một trò đùa, sự mỉa mai, sự nhạo báng phẩm hạnh người phụ nữ. Rằng, danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ không được coi trọng đúng mức", TS. Khuất Thu Hồng nói.
Bà Hồng đề xuất với hành vi quấy rối, ngoài việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính như trong Dự thảo Nghị định của Bộ Công an, cần có hình phạt bổ sung như cơ quan chức năng gửi thư cảnh cáo đến nơi ở, nơi làm việc, hoặc có hình thức ghi vào hồ sơ của người quấy rối để cảnh báo người khác.
Ở góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Tiến Hoà (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng, việc nâng mức xử phạt hành chính đối với đối tượng thực hiện hành vi này như đề xuất của Bộ Công an là cần thiết. Thậm chí hình sự hoá một số hành vi quấy rối tình dục thành tội phạm. Ngoài ra, nếu xác định được hành vi quấy rối tình dục khiến nạn nhân sang chấn tâm lý và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng thực hiện hành vi về tội "làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.
Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu (Bộ Công an), cho rằng, cần sửa luật theo hướng hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục thì mới xử lý thỏa đáng. "Trước tình hình các hành vi quấy rối tình dục hoặc xâm hại tình dục đang diễn biến ngày càng phức tạp, tôi cho rằng cần tội phạm hóa, mô tả các hành vi này trong luật Hình sự. Một số nước xung quanh chúng ta đã xử lý rất nghiêm khắc hành vi này, tù giam các đối tượng có hành vi quấy rối tình dục, trong khi pháp luật của chúng ta chưa có khái niệm nào về hành vi này, kể cả Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017", trung tá Đào Trung Hiếu nói.