Đề xuất tăng trợ cấp ưu đãi người có công lên mức hơn 2 triệu đồng

Bách Việt
14/04/2023 - 11:18
Đề xuất tăng trợ cấp ưu đãi người có công lên mức hơn 2 triệu đồng

Chăm sóc thương binh nặng tại Trung tâm điều dưỡng Thương binh Long Đất (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: TTXVN

Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất theo 2 phương án: Phương án 1 là 2.055.000 đồng; phương án 2 là 2.111.000 đồng.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Phương án 1 đề xuất mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.055.000 đồng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp tăng từ 1.624.000 đồng lên thành 2.055.000 đồng (cao hơn mức chuẩn nghèo thành thị 55.000 đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng là 26,54%).

Phương án 2 đề xuất mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.111.000 đồng. Theo phương án này, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên thành 2.111.000 đồng (cao hơn mức chuẩn nghèo thành thị 111.000 đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng là 29,99%).

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, quy định hiện hành, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng được thực hiện từ ngày 01/7/2019 (quy định tại Nghị định số 58/2019/NĐ-CP của Chính phủ). Từ năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế và xã hội của đất nước, thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, mức lương cơ sở, trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công chưa được điều chỉnh tăng.

Tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thì mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị là 2.000.000 đồng/người/tháng. Trong khi đó, Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 thực hiện tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị.

Hiện cả nước có tổng số đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 1.139.133 người. Theo tính toán của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nếu điều chỉnh theo phương án 1, kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2023 tăng thêm 2.728 tỷ đồng; nếu theo phương án 2, kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2023 tăng thêm 3.168 tỷ đồng.

Đề xuất tăng trợ cấp ưu đãi người có công lên mức hơn 2 triệu đồng - Ảnh 1.

Chăm sóc phục hồi chức năng cho các thương binh nặng, người có công với cách mạng. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc điều chỉnh chế độ trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người có công với cách mạng và thân nhân của họ.

Báo cáo về nội dung lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Nghị định, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Nghị định chỉ quy định về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi là những chính sách đã được quy định trong Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020. Các mức trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi quy định trong Nghị định được áp dụng chung, không phân biệt giới tính. Theo đó, Nghị định đã đảm bảo việc không phân biệt đối xử, đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho nam và nữ trong việc thụ hưởng chính sách quy định tại Nghị định, vì vậy không cần rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành các chính sách, quy định hiện hành về bình đẳng giới và các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong thụ hưởng chính sách và đề xuất giải giải pháp trên cơ sở đảnh giá thực tiễn thi hành chính sách.

Riêng về chế độ ưu đãi đối với "Bà mẹ Việt Nam anh hùng": đây là chính sách được quy định tại Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 1994. Đây cũng là chế độ đặc thù, thể hiện sự tôn vinh danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", thể hiện sự tri ân và để ghi nhớ công lao to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, đồng thời cũng để phát huy và giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước và đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam anh hùng. Tính đặc thù về đối tượng đã được thể hiện rõ trong tên gọi của Pháp lệnh.

Hiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý trước khi ban hành chính thức.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm