Đi giữa hai làn đạn mang lương thực và sinh kế cho người dân ở các vùng xung đột

Ngự Bình
07/02/2021 - 05:00
Đi giữa hai làn đạn mang lương thực và sinh kế cho người dân ở các vùng xung đột

Giám đốc điều hành WFP David Beasley đi thị sát tình hình phân phát hàng cứu trợ tại Nam Sudan

Từ những "điểm nóng" xung đột, vùng xảy ra động đất, sóng thần đến nơi thảm họa nhân đạo tàn khốc của thế giới, những người cứu tế của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đều không ngại dấn thân. Với những gì mà họ đã và đang làm cho nhân loại thì Giải thưởng Nobel Hòa bình 2020 dành cho WFP hoàn toàn xứng đáng.

Giữa hai làn đạn

Việc chuyển hàng cứu trợ qua khu vực biên giới Tây Bắc Syria là "mang tính sống còn" cho hàng triệu người dân khi đất nước này bị cuốn vào cuộc nội chiến nhiều năm qua. Các xe chở lương thực của WFP thường xuyên ở giữa hai làn đạn.

Ông Muhannad Hadi, điều phối viên khu vực của WFP, cho biết: "Việc vận chuyển lương thực từ nơi này tới nơi khác như tham gia vào một trận đánh. Các kho dự trữ và xe tải của chúng tôi thường xuyên ở giữa hai làn đạn". Đặc biệt, việc vận chuyển lương thực đến với người dân tại các khu vực do phe đối lập chiếm đóng rất khó khăn do nơi đây thường diễn ra các cuộc giao tranh dữ dội. Các đoàn xe WFP đã bị chặn lại, bị ép phải quay về, đôi khi còn bị cướp lương thực.

Bền bỉ trên con đường của mình, WFP đã đến với vùng đất "đặc biệt nguy hiểm" và nghèo đói nhất thế giới là Nam Sudan. Ngày 5/10/2020, một đoàn thuyền cứu trợ của WFP chở lương thực từ Bor đến Melut và Malakal đã bị tấn công gần Shambe North ở bang Lakes. Đoàn thuyền gồm 3 chiếc chở hàng với 13 thủy thủ đoàn và một tàu cao tốc. Một chiếc thuyền đã bị chìm cùng với số lương thực, một người mất tích và được cho là đã thiệt mạng, trong khi 3 người khác bị thương do trúng đạn. Alain Noudehou, Điều phối viên nhân đạo ở Nam Sudan, đã lên án vụ tấn công nhằm vào các nhân viên WFP, đồng thời nhấn mạnh đây là những người đã liều mạng sống để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất ở Nam Sudan.

Chặng đường gian nan của những người gieo hạt - Ảnh 2.

Cung cấp hạt giống cho người tị nạn ở Uganda

Trong gian khó, những nhân viên của WFP vẫn nỗ lực hết mình bởi thế giới đang cần WFP hơn bao giờ hết và "lương thực chính là loại vaccine tốt nhất chống lại sự hỗn loạn". Theo tiến sĩ dinh dưỡng Kate Sinclair, người làm việc cho WFP tại Sri Lanka nhiều năm nay, các nhân viên WFP như cô luôn tiến lên phía trước, thực hiện và hoàn thành sứ mệnh "xóa nạn đói trên khắp hành tinh". Bất cứ nơi đâu người dân đối mặt với tình trạng thiếu thốn lương thực cùng cực, biểu tượng màu xanh hòa bình đặc trưng của WFP sẽ xuất hiện. WFP không chỉ cung cấp thực phẩm mà còn trang bị kiến thức, sinh kế cho mọi người duy trì cuộc sống bền vững.

Mọi vùng đất đều có dấu chân của WFP

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, ông rất vui mừng vì giải Nobel Hòa bình 2020 đã được trao cho "những chiến sĩ ở tuyến đầu trong mặt trận an ninh lương thực". Theo ông Guterres, những nhân viên của WFP đã dũng cảm vượt qua hiểm nguy để cung cấp thức ăn cứu sống những người bị tác động bởi xung đột, thiên tai, những trẻ em và các gia đình không chắc chắn về bữa ăn tiếp theo.

Chặng đường gian nan của những người gieo hạt - Ảnh 3.

Có thể nói, gần 6 thập kỷ qua là chừng ấy thời gian WFP tận tâm tận lực cho sứ mệnh mà mình được trao gửi. Những thành viên của WFP có thể tự hào rằng, họ đã có mặt tại những điểm nóng nhất thế giới, dấn thân vào các thảm họa nhân đạo tàn khốc nhất thế giới trong hàng chục năm qua. Ở miền Tây khu vực Sahel (châu Phi) năm 1970 xảy ra hạn hán, WFP đã dùng mọi thứ trong khả năng, từ ô tô đến lạc đà, từ đường bộ đến đường sông để hỗ trợ người dân. Họ đã có mặt kịp thời từ nạn đói ở Ethiopia những năm 1980, chiến tranh ở Nam Tư những năm 1990, trận sóng thần châu Á năm 2004 đến động đất Haiti năm 2010. Hiện nay, WFP có hơn 17.000 nhân viên thì khoảng 90% nhân viên và 2/3 hoạt động của WFP được tiến hành trong các khu vực có xung đột.

Ngay cả khi đại dịch Covid-19 buộc các nước phải hạn chế các chuyến bay thương mại thì WFP vẫn "sáng tạo" ra nhiều cách thức để phân phát lương thực đến những nơi cần như tạo ra một dịch vụ chuyển phát khẩn cấp giúp việc viện trợ lương thực không bị gián đoạn. WFP đã chọn 9 sân bay trên thế giới cùng tham gia kết nối 1 "cây cầu hàng không nhân đạo". Các sân bay được lựa chọn triển khai 350 chuyến bay mỗi tháng để giúp các đội y tế và hoạt động nhân đạo tham gia cứu trợ tới gần 120 quốc gia.

Chặng đường gian nan của những người gieo hạt - Ảnh 4.

Bà Lola Castro, Giám đốc WFP khu vực miền Nam châu Phi, cho biết, do Covid-19, các chương trình hỗ trợ lương thực dành cho hàng triệu người tại 12 quốc gia trong khu vực xảy ra hạn hán bị gián đoạn. WFP đã khởi động Trung tâm nhân đạo Addis Ababa ở Ethiopia. Một đội gồm 25 nhân viên hàng không và hậu cần của WFP điều phối hoạt động 24/24. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, WFP xử lý hầu hết lịch trình cho các thiết bị y tế và bảo hộ đưa đến các điểm ở châu Phi.


Tính từ năm 1963 đến nay, WFP đã huy động được hơn 25 tỉ USD và trên 50 triệu tấn lương thực, thực phẩm để giúp đỡ người nghèo. WFP đã giúp khoảng 97 triệu người ở khoảng 88 quốc gia mỗi năm trong bối cảnh cứ 9 người trên thế giới thì có 1 người không đủ ăn, trong đó có 58 triệu trẻ em. WFP cho biết, ngày nào họ cũng có 5.600 xe tải, 30 tàu và gần 100 máy bay trên đường di chuyển và phân phối hơn 15 tỷ khẩu phần lương thực.
Nguồn: UN, Ichi, Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm