pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dịch Covid-19 đến sáng 17/6: Hơn 445.000 người thiệt mạng
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Cairo, Ai Cập. (Ảnh: THX/TTXVN)
PAHO cảnh báo châu Mỹ sắp chạm mốc 4 triệu người nhiễm bệnh
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 16/6 cảnh báo châu Mỹ đang nhanh chóng tiếp cận mốc 4 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-Cov-2) gây ra, với hai nước dẫn đầu về số người nhiễm bệnh là Mỹ và Brazil với các tỷ lệ lần lượt 54% và 23% tổng số ca tại lục địa này.
Phát biểu tại một buổi họp báo trực tuyến, Giám đốc PAHO - bà Carissa Etienna cho hay dịch bệnh vẫn đang “tăng tốc” lây nhiễm tại châu lục và chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt.”
Trong đó, Mỹ Latinh hiện vẫn là khu vực đứng đầu “làn sóng” dịch bệnh và dự báo trong hai tháng 6 và 7 là những thời điểm đỉnh điểm của sự lây lan SARS-Cov-2 tại một số nước trong khu vực.
Giám đốc PAHO bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các ca nhiễm bệnh tại các khu vực biên giới Mỹ Latinh, như giữa Costa Rica và Nicaragua hay giữa Cộng hòa Dominicana và Haiti, cũng như các vùng biên giới thuộc Amazon nơi ngăn cách Brazil, Venezuela và Colombia và biên giới giữa Peru, Brazil và Colombia. Theo đó, người đứng đầu tổ chức y tế khu vực nhấn mạnh vấn đề tăng cường hệ thống y tế của dân cư biên giới và khuyến khích họ chia sẻ thông tin dịch bệnh.
Cũng theo PAHO, các khu vực biên giới tại Mỹ Latinh là nơi có nhóm dân số dễ bị tổn thương nhiều nhất, bao gồm người bản địa và người di cư, những đối tượng thường xuyên phải di chuyển để tìm kiếm việc làm và cơ hội.
Người dân tại các khu vực này cũng thiếu thốn về cơ sở hạ tầng và dịch vụ y tế yếu kém, trong khi khả năng tiếp cận bệnh viện lại hạn chế.
Trong khi đó, Giám đốc Bộ phận bệnh truyền nhiễm Marcos Espinal của PAHO kêu gọi các nước Mỹ Latinh, hiện là tâm điểm của đại dịch toàn cầu, cần tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng ngừa, bởi nếu không dịch bệnh có thể kéo dài hơn cả ở châu Âu.
Tới nay, khu vực Mỹ Latinh đã ghi nhận hơn 1,7 triệu ca nhiễm COVID-17 với hơn 81.400 ca tử vong.
Ai Cập ghi nhận hơn 1.700 người tử vong do COVID-19
Bộ Y tế Ai Cập ngày 16/6 đã ghi nhận thêm 1.567 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này lên 47.856 người.
Ngoài ra, bộ trên cũng xác nhận 94 ca tử vong mới do COVID-19. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này ở Ai Cập đã lên đến 1.766 người.
Bên cạnh đó, Ai Cập cũng có thêm 401 bệnh nhân COVID-19 bình phục và được phép xuất viện, nâng tổng số trường hợp được điều trị thành công lên 12.730 người.
Tình hình thực tế cho thấy số ca tử vong do COVID-19 tại Ai Cập liên tục tăng cao trong những ngày vừa qua, bất chấp những nỗ lực của ngành y tế nước này.
Cùng ngày, báo Egypt Today đưa tin Ai Cập đã ký thỏa thuận tiếp nhận thuốc Avigan của Nhật Bản và hy vọng sẽ nhận được vaccine do trường Đại học Tổng hợp Oxford phát triển.
Sau khi tiến hành thử nghiệm đối với 50 bệnh nhân COVID-19 từ tháng 4 vừa qua, Ai Cập dự kiến sẽ tiếp nhận thêm thuốc Avigan để phục vụ công tác điều trị cho những bệnh nhân mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Theo Egypt Today, Đại sứ quán Ai Cập tại Tokyo vừa ký biên bản ghi nhớ về việc Nhật Bản cung cấp miễn phí thuốc Avigan cho quốc gia Bắc Phi này.
Chile tăng cường hỗ trợ nhóm dân số nghèo nhất nước
Ngày 16/6, Tổng thống Chile Sebastián Piñera đã ký một dự luật nhằm tăng thu nhập khẩn cấp cho các gia đình nghèo nhất nước bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, từ 65.000 lên 100.000 peso (từ 83 đến 128 USD) mỗi người.
Chính phủ Chile cho biết sáng kiến này sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 5,6 triệu người. Tất cả các gia đình đủ điều kiện, ngay cả khi không có bất kỳ thu nhập chính thức, sẽ được Chính phủ hỗ trợ tài chính để đạt tới mức thu nhập 100.000 peso mỗi người.
Tổng thống Piñera đảm bảo rằng khoảng 80% số gia đình nghèo nhất, tương đương với 2,1 triệu hộ, sẽ nhận được hỗ trợ từ chương trình này trong thời gian ngắn.
Ông Piñera cho biết thêm, gói hỗ trợ này là một phần của mạng lưới bảo trợ xã hội được thiết kế để bảo vệ 10 triệu người dễ bị tổn thương và tầng lớp trung lưu bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.
Đề xuất mới sẽ được Quốc hội Chile thảo luận trước khi phê chuẩn trong thời gian tới.
Cùng ngày, Bộ Y tế Chile thông báo nước này đã ghi nhận 184.449 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 3.383 trường hợp tử vong, tăng tương ứng 5.013 ca nhiễm mới và 21 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Ecuador kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 60 ngày
Trong khi đó, tại Ecuador, Tổng thống Lenín Moreno ngày 16/6 tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn đến ngày 13/8 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Quốc gia Nam Mỹ ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 vào ngày 29/2. Chính phủ nước này tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày vào ngày 16/3 và sau đó gia hạn thêm 30 ngày nữa.
Với việc gia hạn tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Ecuador sẽ có quyền huy động các lực lượng vũ trang và duy trì các biện pháp hạn chế đi lại, bao gồm lệnh giới nghiêm, cũng như đình chỉ quyền như tự do hội họp.
Ecuador, với 17,5 triệu dân, là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Mỹ Latinh bởi đại dịch COVID-19 với hơn 47.943 ca nhiễm bệnh, tính đến ngày 16/6. Số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên tới 3.970 người, xếp thứ 4 tại Mỹ Latinh sau Brazil (43.959), Mexico (17.141) và Peru (6.688).